Lần đầu tiên được nhận suất học bổng từ đại diện của Công ty CP FPT, Thảo Nhung, học sinh Trường Tiểu học Tân Hợp, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) không giấu được niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào.
Nhung sẽ dành một phần nhỏ để mua đồ dùng học tập, phần còn lại giúp gia đình. "Cháu bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu. Bố mẹ phải cố gắng rất nhiều mới nuôi được cháu ăn học. Vì thế, cháu sẽ cố gắng học thật giỏi để tiếp tục được nhận học bổng, phụ giúp bố mẹ", Thảo Nhung nói.
Thảo Nhung là một trong số 100 trẻ em nhiễm chất độc da cam vượt khó học giỏi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vừa được nhận: "Học bổng FPT cho trẻ nhiễm dioxin", trị giá 1,2 triệu đồng/suất. Năm 2009, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty CP FPT bắt đầu triển khai chương trình này. Người tài trợ là ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT. Sau 4 năm, chương trình đã cấp học bổng cho 400 lượt trẻ khuyết tật, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền 480 triệu đồng.
Với những người bình thường, con đường học tập vốn đã nhiều vất vả, nhưng với các em học sinh là nạn nhân chất độc da cam, gian nan nhiều gấp bội. Mỗi suất học bổng FPT cho trẻ nhiễm dioxin tuy không lớn nhưng đã góp phần khuyến khích các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường hoặc học nghề để hòa nhập với cộng đồng. "Chúng em bị khuyết tật, không được như những bạn bình thường nên con đường đến trường sẽ rất gian nan, rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. Điều này giúp chúng em thêm nghị lực vượt qua trở ngại" - Em Phương Trang, Trường THCS Tân Long, huyện Triệu Phong cho biết.
Ông Hoàng Văn Thông, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 trẻ khuyết tật, 2.000 trẻ nhiễm chất độc da cam. Phần lớn có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vì thế, việc giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành với trẻ em Quảng Trị như hoạt động của Công ty CP FPT là hết sức cần thiết.
Học bổng FPT cho trẻ em nhiễm dioxin là một trong những hoạt động nằm trong chương trình "Hỗ trợ giáo dục" của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Từ năm 1994 đến năm 2012, sau 18 năm triển khai chương trình, quỹ đã cấp 38.800 suất học bổng, trị giá gần 22,5 tỷ đồng cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, con thương binh - liệt sĩ, người dân tộc thiểu số, trẻ em năng khiếu - tài năng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... vươn lên học giỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.