(HNMO)- Nhiều điểm mới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tham gia giao thông như mức xử phạt người vi phạm tăng, đặc biệt tại khu vực nội thành. Trẻ trên 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm, người đi bộ vi phạm Luật giao thông... cũng sẽ bị xử phạt nặng.
Dưới đây là những cuộc trao đổi của HNMO với đại diện cơ quan chức năng trước một ngày khi NĐ 34 được thực thi:
Thượng tá Trần Sơn, Phó phòng Xử lý điều tra tai nạn (Cục cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt): "Tăng mức phạt sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông"
NĐ 34 của Chính phủ không phải chỉ là tăng mức phạt tiền mà nhằm đánh vào ý thức của người tham gia giao thông. CSGT được quyền xử phạt đối với tất cả những vi phạm theo NĐ. Ngoài ra, các lực lượng khác như cảnh sát trật tự, thanh tra giao thông… cũng có quyền xử phạt người vi phạm trong một số trường hợp. Quyền xử phạt của thanh tra giao thông được tăng lên. Tại các đô thị lớn, mức phạt tăng hơn nhiều so với các địa phương khác, đặc biệt là tại khu vực nội thành.
Hiện nay Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã quy định mức phạt tại khu vực nội thành để người tham gia giao thông biết. Việc tăng mức phạt như trên sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông bởi một số chế tài xử phạt bằng tiền theo NĐ146 trong 3 năm qua vẫn chua đủ sức răn đe. Với mức phạt tăng nặng như hiện nay thì người dân sẽ có ý thức hơn.
Trong tình hình hiện nay, việc tăng mức phạt cũng là một hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất Luật Giao thông. Đi đôi với đó là các ngành chức năng cũng cần tổ chức tốt các điều kiện để người dân thực hiện tốt Luật Giao thông như cầu vượt; bảng hướng dẫn, vạch vôi.
Khi thực hiện Nghị định mới, CSGT được tăng cường những phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc xử lý. Trong quá trình xử lý, CSGT sẽ kết hợp tuyên truyền tại chỗ Luật Giao thông, những quy định mới trong NĐ 34. Tại những nơi xử phạt, CSGT cũng tổ chức dán panno áp phích để kết hợp tuyên truyền. Đối với những trường hợp người vi phạm bị tước giáp phép lái xe thì CSGT các địa phương cũng tổ chức học lại Luật cho người vi phạm
-PV: Thực thi NĐ 34 chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm đối với 2 nhóm đối tượng "nhạy cảm" là người đi bộ hay trẻ em đủ 6 tuổi trở lên. Ý kiến của ông về vấn đề này ?- Mức độ đô thị hóa và lưu lượng người tham gia giao thông đang tăng. Các phương tiện tham gia giao thông cũng tăng chóng mặt. Chúng ta cũng cần phải siết chặt đối với người đi bộ để bảo đảm TTATGT. Để tạo điểu kiện cho người dân đi bộ qua đường được an toàn, Nhà nước cần xây dựng những công trình, việc tổ chức giao thông tốt cho người đi bộ.
Người tham gia giao thông cần tuân thủ Luật Giao thông và biết cách bảo vệ mình, đó cũng là thể hiện trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Những trường hợp vi phạm cần phải được xử lý nghiêm. Tại những thành phố lớn đã có camerra giám sát, ghi hình phạt nguội, đây là chứng cứ xử phạt đối với người đi bộ, góp phần cùng CSGT xử lý trực tiếp.
Với trẻ em, vấn đề khó khăn là phải làm sao để xác định được là trên hay dưới 6 tuổi. Cũng cần phải nhấn mạnh, người đìều khiển phương tiện chở trẻ em hầu hết là con em trong gia đình. Do đó người lớn tại sao lại không đội mũ bảo hiểm cho các em để phòng chống TNGT mà lại cứ phải đi băn khăn đối phó với các cơ quan chức năng về độ tuổi.
Về vấn đề này, khi kiểm tra, lực lượng CSGT cũng sẽ có nghiệp vụ của mình như bằng mắt thường, xem được khuôn mặt, dáng vẻ chiều cao, thể trạng và có thể hỏi trực tiếp các em. Nếu chưa xác định được thì CSGT cũng có thể lập biên bản vi phạm và hẹn ngày người điều khiển phương tiện mang giấy khai sinh đến chứng minh độ tuổi của trẻ em. Trách nhiêm bảo vệ trẻ em là của người lớn, do đó không nên vì đối phó với CSGT mà quên mất điều này.
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt CATP Hà Nội: "Hà Nội đã sẵn sàng thực hiện"Thời gian qua, lực lượng CSGT TP đã chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ CATP thu thập, biên soạn nhiều tài liệu tuyên truyền tổ chức các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền cho các lực lượng cảnh sát tham gia xử phạt áp dụng theo NĐ 34 bảo đảm cho các lực lượng làm nhiệm vụ nắm vững những quy định mới trong NĐ khi thực thi công việc.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra, xử phạt người vi phạm, CSGT đã lồng ghép việc tuyên truyền trực tiếp những quy định mới của NĐ 34 cho người vi phạm. Việc này giúp cho người dân khi tham gia giao thông hiểu rõ các quy định của NĐ 34.
Phòng CSGT đường bộ-đường sắt đã kết hợp với các cơ quan chức năng khảo sát những tuyến đường giáp ranh để làm tờ trình UBND TP. Chủ tịch UBND TP đã phê duyệt ranh giới giữa các quận nội thành với các huyện ngoại thành và một số tuyến đường để áp dụng mức xử phạt tăng cao đối với đô thị theo quy định trong NĐ 34.
Để việc triển khai NĐ 34 hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho những người tham gia giao thông chấp hành luật, Phòng CSGT đã và đang đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng bổ sung và kẻ vẽ rõ hơn những vạch sơn chỉ dẫn dành cho người đi bộ, phân luồng phân tuyến…
- PV: Mức xử phạt theo Nghị định mới tăng, đặc biệt tại khu vực nội thành, sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ người vi phạm giao thông chống lại CSGT. Biện pháp để phòng chống tình trạng này như thế nào?- Đây là tình huống chúng tôi đã lường trước. Phòng CSGT đã giáo dục cán bộ chiến sĩ chấp hành nghiêm những quy định, điều lệnh của ngành khi làm nhiệm vụ cũng như các kỹ năng giao tiếp… nhằm hạn chế những bức xúc hoặc phản ứng gay gắt giữa người vi phạm đối với CSGT, dễ dẫn đến hành vi chống đối.
Ngoài ra, CSGT hiện đã được trang bị những công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện, khoá số 8… kèm theo những quy định cho phép khống chế và trấn áp những đối tượng chống người thi hành công vụ. Những trường hợp vi phạm sẽ bị CSGT xử lý nghiêm ngặt.