Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẽ chấm dứt cảnh tranh mua, tranh bán

Đình Hiệp| 10/08/2011 06:44

(HNM) - Với mục tiêu lành mạnh hóa hoạt động xuất khẩu gạo, giúp người nông dân yên tâm với

Đóng gói gạo tại Công ty CP XNK lương thực thực phẩm Hà Nội. Ảnh: Khánh Nguyên


Một chính sách, nhiều mục tiêu
Theo Nghị định (NĐ) 109/2010/NĐCP ban hành ngày 1-1-2011, kể từ ngày 1-10-2011, các thương nhân không có giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo (GCN) sẽ không được tham gia "sân chơi" này. NĐ đã quy định rõ, mọi thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay xát có công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành; kho chứa và cơ sở xay xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp GCN.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định, quy định về tiêu chuẩn kho chứa, cơ sở chế biến sẽ là cơ hội để những DN có năng lực phát triển, có kế hoạch đầu tư lâu dài tạo được thế mạnh trong kinh doanh lúa gạo, đồng thời loại bỏ được những DN nhỏ làm ăn kiểu "chộp giật" nhằm ép giá nông dân và thao túng thị trường. Theo ông Biên, đến nay đã có 49 DN được cấp GCN (4 DN có vốn đầu tư nước ngoài), chiếm 63% thị phần xuất khẩu gạo trong nước.

Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng phấn khởi nói: "An Giang là một trong những vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long, nên tôi hiểu rất rõ những khó khăn của người nông dân, khi giá lúa giảm thì bị thương lái ép giá hoặc không mua, khi giá lên thì lại "tranh mua, tranh bán". Bởi thế, nông dân chính là người được hưởng lợi từ NĐ này, vì họ rất muốn các DN mua lúa tươi ngay sau khi thu hoạch. NĐ 109 đã giải quyết được bài toán khó mà các bộ đã bàn thảo từ lâu nhưng chưa thực hiện được, đó là bài toán đầu ra cho nông dân, gắn kinh doanh với sản xuất, gắn DN với tiêu thụ, xử lý sau khi thu hoạch. Ví dụ, nếu trước đây 1kg gạo bán được 2.000 đồng, thì nông dân chỉ được 500 đồng, DN xuất khẩu được 500 đồng, còn khâu trung gian gồm thương lái, nhà máy xay xát, đánh bóng được hưởng 1.000 đồng. Khi NĐ 109 có hiệu lực, 1.000 đồng kia sẽ chia đôi cho người nông dân và DN xuất khẩu".

Thách thức lớn đối với các DN vừa và nhỏ
NĐ 109 được kỳ vọng sẽ góp phần làm lành mạnh hóa hoạt động xuất khẩu gạo trong nước. Song, với khoảng 200 DN vừa và nhỏ chỉ tham gia vào khâu xuất khẩu (không xay xát, chế biến), việc thực hiện NĐ là một thách thức lớn. Từ nhiều tháng nay, chị Võ Thị Thu Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Ngũ Cốc Việt (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đứng ngồi không yên vì phải lo thủ tục xin GCN. Chị Hạnh cho hay: "Mất mấy tháng trời đi hết tỉnh này đến tỉnh khác để tìm mua đất xây kho chứa thóc nhưng vẫn chưa được. Để được cấp GCN, công ty phải bỏ ra một khoản tiền tới 40 tỷ đồng. Việc xin giấy phép xây dựng, lập dự án mua máy móc… không thể xong trong 9 tháng được". Một số DN cũng cho rằng, việc đầu tư quá nhiều kho chứa sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí, vì hiện nhiều kho chứa vẫn bỏ không khi DN không mua được lúa trực tiếp từ nông dân mà vẫn phải qua thương lái.

Trước những bức xúc của các DN đang ở trong tình cảnh như Công ty TNHH Ngũ Cốc Việt, trong đó nhiều DN có cơ sở xay xát, sấy và kho chứa không nằm trong hệ thống liên hoàn của một cơ sở chế biến khép kín, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả chế biến, vận chuyển mà lại không được cấp GCN, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho biết, đó là sự hiểu nhầm của các DN. Quy định này chỉ nêu rõ sự đồng bộ hóa của mỗi dây chuyền thiết bị và cơ sở hạ tầng riêng biệt như bộ phận phân tích, hệ thống máy xay xát, mặt bằng cơ sở chế biến, chứ không yêu cầu tất cả các dây chuyền phải quy về một mối và cùng một địa điểm.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, để tạo điều kiện cho các DN hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu gạo, Bộ Công thương đang kiến nghị với các bộ, ngành liên quan nhằm giảm bớt những "gánh nặng" cho DN, cụ thể như các DN có thể đi thuê kho, cơ sở xay xát trong năm đầu… Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Đây là một sân chơi bình đẳng mà các DN tham gia đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật. Khi Việt Nam gia nhập WTO, các DN nước ngoài cũng được tham gia kinh doanh lúa gạo. Bởi vậy, nếu không được chuẩn bị chu đáo về năng lực thì các DN Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại sân nhà".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẽ chấm dứt cảnh tranh mua, tranh bán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.