(HNM) - Có năng khiếu nghệ thuật từ bé, nhưng không như nhiều bạn bè vội vã tìm kiếm thành công với các loại hình nghệ thuật hiện đại, Trần Thị Bảo Châu (lớp Quản lý văn hóa - nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa HN) chọn một hướng đi khác, tìm về hai loại hình nghệ thuật dân tộc là cải lương và chầu văn.
Từ khi còn trong bụng mẹ, Bảo Châu đã được tiếp xúc với nghệ thuật cải lương, môn nghệ thuật tuyệt vời xứ Nam bộ. Thế rồi, chính những câu hát lời ca đó đã gắn bó với tuổi thơ của Châu. Lúc mới bi bô tập nói cũng là lúc Châu bắt đầu tập hát cải lương. Ban đầu chỉ là thích trong vô thức, nhưng rồi càng lớn Châu càng cảm nhận rõ cái tinh hoa trong loại hình nghệ thuật này.
Năm 2009, Châu tham gia cuộc thi "Giai điệu tuổi hồng" tỉnh Nam Định và bắt đầu làm quen với nghệ thuật hát văn, loại hình nghệ thuật đặc trưng của quê hương Nam Định. Chầu văn gợi cho Châu nhiều cảm hứng mới lạ và cô "say" luôn từ đó. Cũng trong năm này, Châu xuất sắc giành cú đúp giải thưởng với giải nhất "Giai điệu tuổi hồng" tỉnh Nam Định và giải ba "Giai điệu tuổi hồng" toàn quốc.
Đoạt giải tại một cuộc thi có tiếng dành cho thanh, thiếu niên, đồng nghĩa với việc con đường theo đuổi nghệ thuật đang mở rộng trước mặt Châu. Thế nhưng, không chạy theo số đông, Châu đi tìm những tinh hoa của cải lương và chầu văn mà cô dự cảm được ngay từ khi còn bé thơ. Châu chia sẻ: "Nhiều loại hình mới du nhập vào Việt Nam dần lấn át nghệ thuật truyền thống. Mình muốn làm cái gì đó khác đi để góp phần thay đổi thực trạng đó".
Mỗi loại hình nghệ thuật đều có cái hay, cái thú vị riêng nên thật khó để phân chia rạch ròi rằng Châu đam mê cải lương hay chầu văn hơn. Song chính vì tập cùng lúc cả hai loại hình nên Châu cũng thường xuyên phải đối mặt với nhiều tình huống "dở khóc dở cười". Điều này buộc Châu tập luyện nhiều hơn, bất kỳ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Nhờ nỗ lực ấy, dần dần Châu đã biết cách thể hiện cái chất riêng của mỗi loại hình, để làm nổi bật được nét đặc trưng của từng loại.
Châu cố gắng, không quản ngày đêm, chăm chỉ miệt mài tập luyện chầu văn và cải lương để tiếp bước những thế hệ đi trước. Mong muốn lớn nhất của Châu là một ngày không xa, khán giả trẻ sẽ hiểu, yêu mến và quay trở lại với nghệ thuật dân tộc. Bởi hơn ai hết, Châu biết, chỉ khi thực sự yêu mến, giới trẻ mới tìm cách để bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.