(HNM) - Cứ sau Tết, nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là ở các khu công nghiệp lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Năm nay, tình trạng này vẫn xảy ra nhưng không trầm trọng như những năm trước.
Trước tình hình DN kêu nhiều về tình trạng thiếu nhân công sau Tết, năm 2010, Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH đã lập đoàn khảo sát thực tế tại một số địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm. Kết quả cho thấy, có sự thiếu hụt và khó tuyển lao động (LĐ), nhưng không đến mức trầm trọng như các DN phàn nàn.
Theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, các DN thường đăng thông báo tuyển dụng gấp 5-10 lần so với nhu cầu thực tế. Nhiều DN đã tuyển được LĐ nhưng không chấm dứt thông báo để lôi kéo NLĐ, dẫn đến tình trạng NLĐ sẵn sàng nghỉ việc ở DN này để sang DN khác có thu nhập, đãi ngộ cao hơn. Đây cũng là một kiểu cạnh tranh giữa các DN cùng ngành nghề, tập trung chủ yếu vào những ngành sử dụng nhiều LĐ như da, giày, dệt - may. Một số DN tuyển LĐ mới để thay thế số công nhân cũ nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp BHXH cho NLĐ. Cũng có DN sử dụng chiêu thức tuyển LĐ mới không có tay nghề theo hợp đồng vừa đào tạo nghề, vừa làm với tiền lương học nghề dưới 1 triệu đồng/tháng để giảm chi phí trả lương... Chính những thủ đoạn "lách luật", núp dưới chiêu bài tuyển dụng số lượng lớn lao động của các DN đã tạo nên thông tin "ảo" về sự khan hiếm LĐ trên thị trường mà cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được.
Bên cạnh đó, có thực tế là các DN thiếu LĐ liên tục tuyển dụng nhằm có nguồn nhân sự dự phòng thay thế cho số LĐ "nhảy việc". Kết quả khảo sát cho thấy trong tổng số nhu cầu tuyển dụng hằng năm của DN, chỉ có khoảng 46% tuyển vào chỗ làm mới, số còn lại chủ yếu tuyển để phòng sự biến động LĐ.
Ông Nguyễn Đại Đồng đưa ra một cách nhìn khác về nguyên nhân dẫn đến khan hiếm LĐ: Chính sách tiền lương của các DN hiện nay chưa đủ sức hấp dẫn NLĐ bởi mức lương này chỉ cao hơn lương tối thiểu do Nhà nước quy định, thậm chí thấp hơn thu nhập của NLĐ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Vì vậy, nhiều LĐ phổ thông không mặn mà với cái "mác" công nhân mà thu nhập thực tế không bảo đảm được cuộc sống.
Chính vì thế, cần giải quyết bài toán mất cân đối cung - cầu cục bộ đang diễn ra tập trung ở các tỉnh, thành phố trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương... Nâng cao chất lượng việc làm, giảm tỷ lệ việc làm kém bền vững là những ưu tiên hàng đầu, có tính bức thiết trong giai đoạn 2011-2015.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.