Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sâu sát cơ sở

Đan Nhiễm| 24/12/2020 06:07

(HNM) - Đây chính là dấu ấn nổi bật của năm 2020 khi nhắc đến phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy và cấp ủy các cấp thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội. Nhờ vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, nhưng hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, nổi bật là thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán trung ương giao, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trưởng gấp khoảng 1,54 lần mức tăng của cả nước, an sinh xã hội được bảo đảm…

Cũng từ sự sâu sát thực tiễn nên phong cách lãnh đạo của các đồng chí cán bộ chủ chốt thành phố đã lan tỏa xuống cấp dưới, tạo chuyển biến rõ rệt. Những khó khăn, tồn tại được chỉ rõ để khắc phục; những thuận lợi được phát huy mạnh mẽ hơn, trở thành động lực tăng trưởng của các địa phương, đơn vị. Rõ nhất là nhiều “điểm nghẽn” bấy lâu như: Vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án xây dựng Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên, dự án đường Vành đai 2 đoạn Mai Động - Ngã Tư Vọng… đã cơ bản được giải quyết. 

Năm 2021, bám sát chủ đề công tác năm của thành phố là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội; 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII; những định hướng lớn từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi phong cách lãnh đạo của cấp ủy các cấp cần tiếp tục đổi mới theo hướng chủ động, linh hoạt hơn nữa để thích ứng với tình hình mới, khi mà bối cảnh dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, tình hình thế giới… vẫn tiềm ẩn diễn biến khó lường.

Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra, các cấp ủy, chính quyền cần thường xuyên nắm bắt tình hình, đôn đốc và kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở giải quyết những vấn đề phát sinh. Lãnh đạo các cấp cần bố trí một khoảng thời gian nhất định để đi cơ sở, lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp từ đó có những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những khâu yếu, việc khó, vấn đề nổi cộm, bức xúc tập trung giải quyết dứt điểm, tạo sức lan tỏa. Đặc biệt, cần tập trung lãnh đạo, giải quyết các nhiệm vụ liên quan đến đời sống dân sinh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...

Cùng với đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tiếp tục nhấn mạnh đến công tác cải cách hành chính; có giải pháp nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); thực hiện tiết kiệm chi... Bên cạnh việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp; thanh tra, kiểm tra công vụ; đề cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và nhân dân. Cùng với đó là dành thời gian thích đáng cho nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.

Với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp tiếp tục đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng chủ động, sáng tạo, sâu sát cơ sở sẽ tạo thêm xung lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sâu sát cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.