Lượt trận đầu tiên của V-League 2010 đã kết thúc mà không có bất ngờ động trời nào từ các đội bóng “chiếu dưới”, đặc biệt là 2 tân binh V.Ninh Bình và HP.HN. Đây là một kịch bản trái ngược với những mùa giải gần đây...
HP.HN (phải) không đủ khả năng để làm ngựa ô của V-League 2010. |
Chẳng hạn, ở mùa giải 2007, Thanh Hoá “quậy tung” V-League, năm 2008, tới lượt Thể Công gây ấn tượng mạnh với dàn cầu thủ được đào tạo 2 năm ở châu Âu, và năm 2009 là TĐCS.ĐT và QK4 (lượt đi V-League 2009). Tuy nhiên, bước vào mùa giải năm nay, cả HP.HN lẫn V.Ninh Bình đều không có được sự khởi đầu xuất sắc, và ít ai dám nghĩ tới khả năng làm nên bất ngờ của họ trong chặng đường còn lại của mùa giải.
Trong số 2 tân binh V-League, HP.HN không được đánh giá cao về sự chuẩn bị cũng như chất lượng đội hình, nên việc đội bóng này trắng tay trước HN T&T trong ngày khai mạc không phải là chuyện ngạc nhiên.
Nhưng trường hợp của V.Ninh Bình thì hơi đặc biệt, bởi đội bóng này được rất nhiều chuyên gia, trong đó có cả cựu HLV trưởng V.Ninh Bình Nguyễn Văn Sỹ, đặt niềm tin vào khả năng họ sẽ làm nên chuyện tại V-League 2010, nhưng kết quả ban đầu thu được là tương đối thất vọng, khi V.Ninh Bình chỉ kiếm được 1 điểm trước ĐT.LA trên sân nhà.
Còn quá sớm để đưa ra đánh giá về năng lực của V.Ninh Bình chỉ sau trận đấu đầu tiên tại V-League 2010, nhưng nếu kỳ vọng đội bóng Hoa Lư sẽ góp phần tạo nên một diện mạo mới cho V-League thì e là hơi quá viển vông. Thật ra thì việc HP.HN hay V.Ninh Bình không được trông mong để trở thành “ngựa ô” của V-League 2010 cũng không phải điều ngạc nhiên, bởi Thanh Hoá năm 2007, Thể Công năm 2008 hay TĐCS.ĐT và QK4 năm 2009 đều có những cái riêng, mà đây chính là nguyên nhân giúp những đội bóng này tạo được yếu tố bất ngờ.
Thanh Hoá năm 2007 là một tập thể cầu thủ trẻ xuất phát từ một địa phương đã “đói” bóng đá đỉnh cao trong nhiều năm nên rất khát khao và háo hức trong mùa giải đầu tiên ở sân chơi chuyên nghiệp. Hơn nữa, khi đó dàn ngoại binh mà Thanh Hoá sở hữu cũng có chất lượng khá tốt, và đội bóng được đặt dưới sự dẫn dắt của một ông thầy biết mình biết người là HLV Trần Văn Phúc, nên Thanh Hoá đã làm nên hết bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Hay Thể Công năm 2008 cũng vậy, dàn cầu thủ sinh năm 1987 do đội bóng áo lính trình làng thực sự là “hàng chất lượng cao” và cộng với số trụ cột đang vào độ chín như Phước Tứ, Anh Tuấn, nên dù không đạt thành tích cao, song cũng có những thời điểm Thể Công mấp mé chen chân vào cuộc đua đến chức vô địch.
Còn TĐCS.ĐT ở mùa giải 2009 thì đột nhiên trở thành ngựa ô nhờ phong độ rực sáng của Timothy Anjembe, tiền đạo từng bị nhiều CLB V-League chê ỏng chê eo, nhưng khi về với sân Cao Lãnh thì Timothy biến thành một sát thủ siêu hạng. Hay QK4 ở lượt đi mùa giải 2009 cũng thế, lối chơi “chạy phá sút” dựa trên sự gắn kết của những anh lính đá bóng đã khiến cả V-League phải bất ngờ, và QK4 chỉ bị “bắt bài” khi giải bước vào lượt về, và cũng đến lúc này QK4 mới thấm thía sự phức tạp của sân chơi chuyên nghiệp.
Khác với Thanh Hoá, Thể Công, TĐCS.ĐT hay QK4, V.Ninh Bình ở mùa giải 2010 tiếng là tân binh, nhưng các vị trí chủ lực trong đội hình của họ đều đã nhẵn mặt tại V-League từ vài mùa bóng gần đây, nên không khó để nhận diện ưu nhược điểm của những cầu thủ này.
Bên cạnh đó, quá trình chuẩn bị cho mùa giải mới của V.Ninh Bình cũng có lắm vấn đề vì sự thay đổi như chong chóng trên băng ghế huấn luyện, và ngay cả HLV trưởng hiện tại Lim Hua Hart cũng thừa nhận rằng: “Quá sức khó khăn vì lúc bước vào mùa giải 2010 đội hình chúng tôi có tới 8 vị trí mới”, nên việc V.Ninh Bình không thể làm nên bất ngờ theo kiểu “chớp ran sấm giật” ở lượt trận khai mạc V-League 2010 cũng là điều dễ hiểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.