(HNM) - Mặc dù dự án "Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng" hiện đã được triển khai đến 7.700 xã trong cả nước, với hơn 160.000 trong tổng số hơn 329.000 người bệnh được quản lý, chăm sóc (đạt 49%), tuy nhiên 6 loại bệnh lý là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn lo âu, lạm dụng rượu vẫn đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta.
Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020, các bệnh tâm thần sẽ được xếp thứ hai, chỉ sau các bệnh về tim mạch, trong khi đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần của Việt Nam còn nhiều hạn chế với nguồn nhân lực chuyên ngành thiếu và yếu; hoạt động phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho đối tượng mắc bệnh chưa tốt...
Riêng đối tượng trẻ em, kết quả khảo sát của dự án hợp tác quốc tế "Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh ở Hà Nội" của Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho thấy, có tới 19,46% học sinh từ 10-16 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung. Còn điều tra của Bệnh viện Nhi TƯ, 20% học sinh ở một số trường học luôn trong tình trạng lo lắng, có biểu hiện của bệnh trầm cảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.