Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau khi lấy ý kiến nhân dân, Hà Nội sẽ trả lời rõ việc ứng xử với hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng

Bảo Hân| 05/06/2017 11:12

(HNMO) - Sáng 5-6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã thông tin về việc ứng xử với hàng  cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, phục vụ dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.

ứng xử với hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, phục vụ dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.


Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long không chỉ có đường trên mặt đất mà còn bao gồm cả đường trên cao, giống như đường vành đai 3 Khuất Duy Tiến, nối đến tận cầu Thăng Long. Theo Bí thư Thành ủy, việc giữ lại hàng cây là mong muốn chung, nhưng để phục vụ cho tuyến đường trên cao thì khó giữ toàn bộ. Thành phố đang lấy ý kiến các cấp, ngành và nhân dân, đồng thời sẽ bàn với Bộ Giao thông Vận tải về việc này. Sau khi lấy ý kiến cộng đồng, thành phố sẽ có trả lời rõ ràng sự việc.


"Thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều lấy ý kiến người dân. Cây bị chặt đi thì ai cũng tiếc, bởi mình đang còn phải trồng thêm. Nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm, không thể dừng lại... Phương án quy hoạch đầu tư xây dựng dự án cũng đã tránh tối đa các vùng cây xanh, công viên, hồ nước..." - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng thông tin thêm, các nhà kỹ thuật, nhà quản lý sẽ ngồi với nhau để tính toán phương án thiết kế tuyến đường trên cao và đường thấp để có sự phối hợp tối ưu nhất. Quá trình triển khai dự án sẽ có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng và sự giám sát từ người dân.

Về việc Sở Xây dựng thành phố đang lấy ý kiến thay thế 4.000 cây xà cừ trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Sở Xây dựng đang tổ chức hội thảo để lấy ý kiến về việc cây xà cừ có phù hợp là cây đô thị không để sau này khi trồng mới sẽ chọn được loại cây đô thị phù hợp.

"Với cây xà cừ đã trồng lâu năm, đường kính lớn thì nên giữ lại mà không cần phải thay. Trong trường hợp cây nằm trong các dự án đầu tư phát triển, không làm cách gì tránh được thì phải di dời. Chứ còn bây giờ, giữ được một cây xanh là quý lắm; trồng, chăm sóc cả trăm năm mới được như thế... Hà Nội vẫn nhất quán thực hiện chủ trương phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp và thành phố cũng đã có nghị quyết riêng về bảo vệ môi trường" - Bí thư Thành ủy cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau khi lấy ý kiến nhân dân, Hà Nội sẽ trả lời rõ việc ứng xử với hàng cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.