Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau đối thoại, người dân không còn ngăn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

Nhuệ Mai| 17/07/2020 11:31

(HNMO) - Sáng 17-7, tại UBND huyện Sóc Sơn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng và lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố đã đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi đối thoại.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đã chia sẻ những khó khăn, vất vả với người dân các xã sống quanh các bãi rác trên địa bàn thành phố nói chung và người dân 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn nói riêng.

Đồng chí Đào Đức Toàn cho biết, qua buổi đối thoại này, thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến của người dân và cán bộ địa phương, trên cơ sở đó, lãnh đạo các sở, ngành của thành phố sẽ thông tin, giải đáp băn khoăn, kiến nghị của người dân. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, đoàn công tác sẽ tiếp thu và báo cáo tập thể lãnh đạo thành phố thống nhất phương án tháo gỡ. 

Mức đền bù cao hơn nhiều lần so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành

Tại buổi đối thoại, đại diện người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ cho biết chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác. Việc áp giá bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và đất ở của người dân thấp hơn nhiều so với giá mua đất tái định cư. Vì vậy, người dân mong lãnh đạo huyện, thành phố sớm xem xét giải quyết...

Một số ý kiến cũng kiến nghị huyện Sóc Sơn xem xét lại việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, để người dân không thiệt thòi; tính toán lại việc bồi thường tài sản, hoa màu trên đất...

Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn rộng hơn 157ha, được xây dựng từ năm 1999 trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ. Huyện Sóc Sơn được thành phố Hà Nội giao thực hiện Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (vùng bán kính 0-500m) quanh bãi rác.

Hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời với tổng diện tích đất khoảng 396ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở. Đối với đất nông nghiệp tại hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đối với đất ở, tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chậm do quá trình đo đạc, kiểm đếm tài sản trên đất, lên phương án bồi thường mất nhiều thời gian...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, theo quan điểm của thành phố, đối với diện tích đất mà người dân đang sử dụng, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ghi như thế nào thì khi đền bù, diện tích được tính đền bù sẽ đúng như thế. Với những hộ được cấp GCNQSDĐ trên 400m2, trong đó có hộ được cấp 1.700m2, 2.000m2 là vượt hạn mức được cấp, không đúng theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp GCNQSDĐ cho hộ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy vậy, nếu người dân tự giác phối hợp với chính quyền để điều chỉnh lại, thì vẫn đền bù đất ở đủ 400m2, phần diện tích còn lại, thành phố hỗ trợ đền bù 500 nghìn đồng/m2, cao hơn nhiều lần so với giá đền bù thu hồi đất nông nghiệp hiện hành. “Việc này, huyện Sóc Sơn phải tuyên truyền, giải thích để người dân được biết. Bởi, không thể lợi dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng của Nhà nước để trục lợi”- Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng nói.

Đại diện người dân trao đổi tại cuộc đối thoại.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, về tài sản trên đất, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã ban hành rất đầy đủ. Miễn là tài sản hợp pháp, chính đáng của người dân thì phải đền bù cho dân. Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị huyện Sóc Sơn chỉ đạo các phòng, ban, các xã vận dụng chính xác chính sách, không nhũng nhiễu người dân trong việc đền bù.

Về những kiến nghị của người dân liên quan đến việc tính vị trí đất ở của người dân bị thu hồi và vị trí được nhận tại khu tái định cư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng đề nghị huyện Sóc Sơn phải kiểm tra lại ngay, nếu sai phải sửa cho đúng. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng khẳng định: Thành phố bố trí đủ kinh phí và giải ngân ngay đối với các thửa đất đã hoàn thành hồ sơ, đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cử cán bộ xuống hỗ trợ huyện Sóc Sơn đo đạc, kiểm đếm diện tích đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Thực hiện tốt công tác xây dựng hạ tầng để người dân đến ở thuận tiện nhất

Kết luận buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng: “Thành phố đã có đầy đủ các cơ chế, chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc, còn làm chưa đúng như người dân đã nêu. Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những tồn tại mà cán bộ cấp cơ sở chưa làm tốt”.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn yêu cầu: UBND huyện Sóc Sơn tập hợp đầy đủ kiến nghị của người dân để báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở ý kiến kết luận, giải đáp của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, những vấn đề gì đã rõ đề nghị UBND thành phố trả lời bằng văn bản để hướng dẫn cơ sở thực hiện.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn lưu ý: Huyện, các xã và người dân tiếp tục giám sát, theo dõi việc tổ chức thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án trên tinh thần bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn yêu cầu huyện Sóc Sơn hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp cho người dân trong tháng 7-2020; đối với đất ở hoàn thành trong năm 2020.

Ngoài thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, huyện Sóc Sơn và các xã cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục... cho người dân các xã vùng ảnh hưởng của bãi rác. Đối với dự án tái định cư, phải thực hiện tốt công tác xây dựng hạ tầng để người dân đến ở thuận tiện nhất.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ Nguyễn Công Hưng, ngay sau khi kết thúc buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố Hà Nội, người dân trên địa bàn xã đã tháo lều bạt, thu dọn bàn ghế, không ngăn cản xe chở rác vào bãi rác. Theo xác nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại hiện trường, các xe chở rác đã ra, vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn…

Việc người dân xã Hồng Kỳ không còn chặn xe chở rác đã góp phần giải tỏa việc tồn đọng rác thải trên địa bàn thành phố, bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân Thủ đô.  

Xe chuyên chở rác của các công ty môi trường đã vận chuyển rác về Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau đối thoại, người dân không còn ngăn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.