Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau cơn bão số 1: Những vấn đề cấp bách đặt ra

Chí Kiên| 03/04/2012 06:39

(HNM) - Khi mùa mưa bão đang cận kề cùng những biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đây là thực trạng cần nhanh chóng có các biện pháp giải quyết nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.


Khi mùa mưa bão đang cận kề cùng những biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, đây là thực trạng cần nhanh chóng có các biện pháp giải quyết nhằm hạn chế tới mức tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.

TNXP TP Hồ Chí Minh tiếp tế đồ ăn cho người dân di dời tránh bão tại huyện Cần Giờ.


Diễn biến bất thường

Bão số 1 vào đất liền đã nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn ở những vùng bão đi qua. Theo bà Lê Thị Xuân Lan (Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ), bão số 1 xuất hiện sớm, ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta và mang nhiều yếu tố bất thường. Trong hơn 40 năm qua chỉ có 7 cơn bão xuất hiện vào tháng 3, trong đó chỉ có một cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Theo bà Lan, yếu tố bất thường của bão số 1 có thể do tác động của biến đổi khí hậu.

Để ứng phó với bão số 1, TP Hồ Chí Minh đã chủ động mọi phương án ở mức cao nhất. Hàng nghìn người sống trong khu vực nguy hiểm tại huyện Cần Giờ đã được di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Các cơ quan, đơn vị cũng xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp như đóng cửa phà Cát Lái, Bình Khánh; ra quân dọn dẹp cây xanh ngã đổ trong nội thành; khắc phục sự cố mất điện; phân luồng giao thông... Tuy nhiên, đến chiều 2-4, trên nhiều tuyến đường trung tâm như Trần Hưng Đạo, Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Rạch Bùng Binh… vẫn còn khá nhiều cây xanh gãy đổ chưa được khắc phục. Công ty TNHH một thành viên Công viên - Cây xanh đã huy động khoảng 300 người, làm việc liên tục từ tối 1-4 đến chiều 2-4 nhưng do số lượng cây gãy đổ khá lớn nên nhiều tuyến đường vẫn còn ngổn ngang, chưa được dọn dẹp. Ngoài ra, có 137 khu vực bị cắt điện, có nơi cắt điện từ tối 1-4 đến 5h sáng 2-4. Đến hết ngày 2-4, các sự cố lưới điện đã được xử lý xong. Nhiều ý kiến cho rằng, do đang là ngày nghỉ bù Giỗ Tổ Hùng Vương nên mới không xảy ra kẹt xe, ùn tắc.

Theo Ban Chỉ huy PCLB& TKCN TP, cơn bão Pakhar đã gây thiệt hại cho 24 quận, huyện với 13 căn nhà bị sập hoàn toàn; hơn 260 căn nhà, trường học bị tốc mái, hư hại nặng; hơn 400 cây xanh bị đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ. Huyện Cần Giờ thiệt hại nặng nhất với 13 căn nhà sập, 53 căn tốc mái, 11 ghe thuyền chìm. Quận Thủ Đức có 48 căn nhà bị tốc mái... Thực tế này đặt ra cho công tác PCLB của TP những vấn đề như nghiên cứu trồng cây xanh đô thị chịu được gió bão; xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân, nhất là khu vực huyện Cần Giờ, nơi thường xuyên hứng chịu sự tàn phá của thiên tai; đặc biệt là cần quan tâm tới tình trạng úng ngập sau mưa. Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP, trận mưa do bão số 1 gây ra chỉ trên 100mm, nhưng đã gây ngập 8 điểm, có nhiều điểm đang thi công bị ngập nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Các chuyên gia khí tượng nhận định, bão đang có xu hướng dịch chuyển dần vào phía nam. Mùa bão cũng kéo dài, có thể bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 chứ không từ tháng 6 như trước. "Một bộ phận lớn người dân hiện còn thờ ơ với thông tin bão. Mặc dù tin bão số 1 được thông tin liên tục trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều người vẫn tổ chức đi chơi, tắm biển…" - bà Lê Thị Xuân Lan cảnh báo.

Nhận thức đúng về thiên tai

Trong cuộc họp đánh giá thiệt hại, rút kinh nghiệm công tác đối phó với bão số 1 tổ chức sáng 2-4, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí, Trưởng ban Chỉ huy PCLB&TKCN TP yêu cầu tập trung mọi nguồn lực giúp dân khắc phục hậu quả bão số 1 gây ra, sớm ổn định cuộc sống; các địa phương khẩn trương tổng rà soát thiệt hại về nhà cửa để kịp thời hỗ trợ, đồng thời kiện toàn ban chỉ huy PCLB các quận, huyện, trang bị phương tiện để luôn sẵn sàng khi có những tình huống xấu xảy ra…

TP Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, kết cấu hạ tầng dày đặc với khoảng 10 triệu người sinh sống và làm việc, nếu xảy ra bão lụt thì hậu quả khôn lường. Vấn đề này đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương là phải nhận thức đúng về tầm quan trọng cũng như những nguy hiểm đang rình rập khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí cho rằng, khá nhiều người đã chủ quan khi nghĩ rằng TP Hồ Chí Minh nằm trong vùng "miễn nhiễm" với thiên tai. Quan niệm này đã dẫn đến thực trạng nhà cửa và các công trình hạ tầng chưa sẵn sàng ứng phó khi xảy ra bão lũ. Điển hình là TP vẫn còn nhiều bờ bao nhỏ, yếu, xuống cấp; chân bờ bao sát bờ rạch, cao trình thấp, các công trình đầu tư chưa đồng bộ nên đã gây ra vỡ bờ bao, tràn bờ khi triều cường dâng cao, nhất là ở các quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh và huyện Củ Chi, Hóc Môn. Từ năm 2008 đến nay TP đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 257/319 công trình bờ bao, chống triều cường, tuy nhiên công tác triển khai thi công một số công trình còn chậm, chưa chủ động tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ nên chưa phát huy tác dụng ngăn triều, chống sạt lở. Toàn TP hiện mới xóa được 30/58 điểm thường xuyên ngập lụt ở khu vực nội thành, còn tồn tại 62 khu vực có nguy cơ sạt lở, trong đó có 29 điểm đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, một số dự án thoát nước, xóa, giảm ngập chưa đạt tiến độ đề ra do bất cập trong quản lý, điều hành, năng lực thi công của nhà thầu và vướng mắc trong bồi thường giải tỏa, di dời công trình ngầm.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó ban Chỉ huy PCLB& TKCN TP, trong năm nay TP sẽ tiếp tục thi công và hoàn thiện thủ tục đầu tư các công trình bờ bao còn lại ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 2 và Bình Thạnh để bảo đảm phòng chống triều cường hiệu quả; đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời dân ở 4 khu vực nguy hiểm tại các huyện Nhà Bè, Cần Giờ đến nơi an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau cơn bão số 1: Những vấn đề cấp bách đặt ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.