Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau chuyện xe chở quá tải là gì?

Thủy Tiên| 10/01/2016 06:10

(HNM) - Dư luận mấy ngày nay "nóng" chuyện 5 chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng từ hướng Xuân Mai về Hòa Lạc khi tới xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) bị Đội Thanh tra - An toàn thuộc Cục quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) yêu cầu cân trọng tải vì nghi ngờ có dấu hiệu chở quá tải.

Tuy nhiên chỉ có một tài xế chấp hành (chiếc xe này tải trọng 30 tấn nhưng đã chở tới 59 tấn), còn lại các tài xế đã bất hợp tác với đơn vị chức năng bằng cách khóa xe và bỏ đi. Khi chủ xe xuất hiện, ông này phản ứng: Tại sao nhiều xe khác cũng có dấu hiệu quá tải nhưng đội thanh tra lại không yêu cầu cân tải trọng mà chỉ có xe của công ty ông ta? Phản ứng này phần nào cho thấy chuyện xe chở quá tải trên đại lộ Thăng Long nói riêng và các tuyến đường khác nói chung đang ẩn chứa nhiều bất ổn.

Xe chở quá tải chỉ có thể lưu hành và hoạt động "bình thường" nếu có sự làm ngơ hay nói thẳng ra là sự bảo kê, bởi để qua mặt được cơ quan chức năng là rất khó. Có hay không chuyện nhận tiền hối lộ? Báo chí đã nhiều lần đề cập và có một thực tế là rất khó bắt quả tang hành vi này vì hai bên trao - nhận tiền rất kín. Cũng vì vậy, cấp trên chỉ có thể quy kết thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ. Song với "tội danh" này, người thi hành công vụ luôn có lý do "chính đáng": Lực lượng mỏng, phối hợp giữa các bộ phận chưa nhịp nhàng, chủ xe có nhiều thủ đoạn tinh vi… Cuối là yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, cùng lắm khiển trách hay luân chuyển công tác. Câu hỏi đặt ra nếu không có các đội thanh tra của Bộ GTVT vào cuộc thì sao? Câu trả lời là xe quá tải hoạt động "bình thường" và chuyện bất hợp tác giữa các đơn vị chức năng ở tỉnh Kon Tum với một đơn vị của Bộ GTVT là một ví dụ. Chuyện xảy ra vào cuối tháng 10-2015, lấy lý do tỉnh đã có 2 chốt kiểm tra nên khi nhận được yêu cầu phối hợp từ đơn vị của bộ, họ đã từ chối hợp tác. Kết quả kiểm tra cho thấy các xe đi qua chốt của tỉnh khi bị cân lại rõ ràng đã chở quá tải.

Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở đó. Với kinh nghiệm nghề nghiệp, chỉ bằng mắt thường nhân viên ở các đơn vị chức năng cũng có thể biết xe nào có cơi nới chiều dài, chiều rộng, chiều cao của thân xe, nhưng khi đi kiểm định vẫn cứ trót lọt. Có 2 khả năng một là trạm kiểm định "làm ngơ" và hai là chủ xe tháo dỡ bộ phận cơi nới, kiểm định xong lại hàn vào. Thực tế, chủ xe không làm theo cách thứ hai vì tốn kém hơn so với "lót tay". Hình như cũng chưa có cá nhân hay trạm đăng kiểm nào phải chịu trách nhiệm về việc này? Vì sao các chủ xe cứ nhất quyết phải chở quá tải trong khi họ biết rõ là vi phạm pháp luật và phải chịu mức phạt khá cao? Thứ nhất họ muốn kiếm nhiều tiền hơn khi tăng tải trọng bởi họ không phải trả tiền cho tài xế và không muốn mất thêm tiền qua trạm soát vé. Lý do thứ hai, "tham nhũng" là căn bệnh khó chữa trong xã hội hiện nay nên hối lộ chả khó gì và số đó nhỏ hơn so với số tiền lãi nhờ chở quá tải.

Chuyện những chiếc xe tải trên đại lộ Thăng Long sớm muộn cũng sẽ được giải quyết. Tuy nhiên vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi cần phải làm rõ, cần phải minh bạch vì nếu không chuyện xe quá tải vẫn cứ dai dẳng tồn tại dẫn đến tình trạng "nhờn luật" và những con đường hàng nghìn tỷ đồng nhanh chóng hư hỏng, trong khi tiền chảy vào túi một số cán bộ hư hỏng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau chuyện xe chở quá tải là gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.