Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau bão, lo bảo đảm an toàn các hồ chứa

Chí Kiên| 01/08/2011 06:33

(HNM) - Sau khi đổ bộ vào hai huyện Tĩnh Gia và Quỳnh Lưu, khu vực giáp ranh tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, bão số 3 nhanh chóng suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, bão số 3 gây thiệt hại ít cho các địa phương là do công tác chuẩn bị "đón" bão kỹ càng, bão cập bờ với cường độ không mạnh, di chuyển nhanh và lượng mưa không nhiều.

Cơ quan khí tượng cho biết, trước và trong khi đổ bộ, ở Nam Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, với lượng phổ biến 50-100mm; một số nơi trên 100mm như thành phố Vinh (Nghệ An) 208mm; Hòn Ngư (Nghệ An) 240mm; Linh Cảm (Hà Tĩnh) 178mm; Tuyên Hóa (Quảng Bình) 101mm. Ngày 31-7, lượng mưa giảm dần, mực nước các sông diễn biến bình thường, các sông tại miền Trung lên chậm, khả năng ở mức báo động 1, 2. Hôm nay 1-8, thời tiết ổn định trở lại, nhiệt độ ở các khu vực này dao động 23-35 độ C, riêng Hà Nội 26-34 độ C.

Thống kê từ các địa phương cho biết, trước, trong và sau bão số 3 đã có 4 người chết vì các nguyên nhân tai nạn, trong đó tỉnh Nghệ An có ba người; Sơn La có một người chết. Mưa bão ở Nghệ An cũng làm 5 nhà dân và 1 trường học bị tốc mái; trên 3.500ha lúa và hoa màu bị ngập tại Nghệ An.

Tại Hà Tĩnh, trận lốc xoáy xảy ra tại huyện miền núi Vũ Quang làm hơn 60 nóc nhà tốc mái và hàng trăm cây cối gãy đổ, hàng chục hécta hoa màu, ruộng mía bị tàn phá.

Tại Thanh Hóa, bão số 3 đã làm 12 căn nhà bị sập và tốc mái, 23 cột điện cao thế bị gãy đổ; 35ha mía, 48ha hoa màu bị hỏng; tổng thiệt hại ước tính 25 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, bão số 3 cũng gây mưa khoảng 20 đến 40mm, tùy từng nơi, cao nhất ở Phú Xuyên khoảng 50mm, Thường Tín khoảng 55mm... Ban Chỉ huy PCLB thành phố cho biết, do lượng mưa nhỏ nên từ sáng qua 31-7, toàn thành phố mới vận hành 19 máy bơm tiêu, gồm 12 máy bơm công suất 8.000m3/giờ tại Trạm bơm Ngoại Độ (Ứng Hòa) và 7 máy bơm công suất 1.000m3/giờ tại Trạm bơm Dương Hà (Gia Lâm).

Tại cuộc họp khẩn ngày 31-7 của Ban Chỉ đạo PCLB trung ương, Vụ Quản lý công trình thủy lợi cho biết, một số hồ chứa đã tích đầy nước, cần sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn như hồ Vân Trục, Bò Lạc, Suối Sải (Vĩnh Phúc); hồ Kinh Môn (Quảng Trị) đạt 90%; hồ A Yun Hạ (Gia Lai) đạt 99%, hồ Ia Rung (Gia Lai) đạt 90%, hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng) đạt 97%... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học chỉ đạo không chủ quan về tình hình an toàn hồ chứa, cần kiểm tra theo phân cấp, nhất là các hồ chứa nhỏ, các hồ chứa đã tích đầy nước; theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, dự báo và cảnh báo kịp thời, nhất là các tỉnh miền núi để có biện pháp chỉ đạo phòng, tránh. Sau thiên tai, chính quyền địa phương các cấp sớm chỉ đạo, tổ chức việc thăm hỏi, hỗ trợ gia đình người bị nạn, khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3; thống kê chính xác và chi tiết thiệt hại về hoa màu để có biện pháp giúp đỡ những hộ gia đình bị thiệt hại sớm ổn định đời sống và sản xuất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sau bão, lo bảo đảm an toàn các hồ chứa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.