Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáu bài học kinh nghiệm quý

Xuân Quang| 09/09/2011 06:58

(HNM) - Là quốc gia thuộc địa, cuối thế kỷ XIX còn xếp hạng đói nghèo, chậm phát triển, phần lớn dân số sống nhờ lao động nông nghiệp. Trong khi đó, Chính phủ chưa đủ sức hỗ trợ người dân và sớm nhận thấy có trợ giúp cũng không có ý nghĩa gì nếu người dân không tự lực, cộng đồng không sát cánh, hiệp lực


Tinh thần của phong trào SU được xác định bằng 3 tiêu chí: cần cù (chăm chỉ), tự lực vượt khó và hợp tác (hiệp lực cộng đồng). Năm 1970, sau những dự án thí điểm đầu tư cho nông thôn có hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức phát động phong trào SU và được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Họ thi đua cải tạo nhà mái lá bằng mái ngói, đường giao thông trong làng, xã được mở rộng, nâng cấp; các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng. Phương thức canh tác được đổi mới, áp dụng canh tác tổng hợp với nhiều mặt hàng mũi nhọn như nấm và cây thuốc lá để tăng giá trị xuất khẩu. Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.

Bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có thay đổi hết sức kỳ diệu. Sau 8 năm, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn cơ bản hoàn thành. Trong 8 năm từ 1971-1978, Hàn Quốc đã cứng hóa được 43.631km đường làng nối với đường của xã, trung bình mỗi làng nâng cấp được 1.322m đường; cứng hóa đường ngõ xóm 42.220km, trung bình mỗi làng là 1.280m; xây dựng được 68.797 cầu (do Hàn Quốc có nhiều sông suối), kiên cố hóa 7.839km đê, kè, xây 24.140 hồ chứa nước và 98% hộ có điện thắp sáng. Đặc biệt, vì không có quỹ nào để bồi thường đất và các tài sản khác nên việc hiến đất, tháo dỡ công trình cây cối đều do dân tự giác bàn bạc, thỏa thuận, ghi công lao đóng góp và hy sinh của các hộ cho phong trào.

Nhờ phát triển giao thông nông thôn nên các hộ có điều kiện mua sắm phương tiện sản xuất cụ thể từ 3 làng mới có một máy cày năm 1971 thì đến năm 1975 trung bình mỗi làng đã có 2,6 máy cày rồi nâng lên 20 máy vào năm 1980. Từ đó, tạo phong trào cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, giống mới lai tạo đột biến, công nghệ nhà lưới, nhà kính trồng rau, hoa quả làm tăng nhanh năng suất, giá trị nông nghiệp. Năm 1979, Hàn Quốc đã có 98% số làng tự chủ về kinh tế.

Ông Hoang Chang, Viện Nghiên cứu, đào tạo Saemaul Undong Hàn Quốc khẳng định, nhờ phát động phong trào SU, thu nhập bình quân các hộ tăng nhanh, từ 1.025 USD năm 1972 lên 2.961 USD năm 1977.

Đúc kết 6 kinh nghiệm


Ông Le Sang Mu, cố vấn đặc biệt của Chính phủ Hàn Quốc về nông, lâm, ngư nghiệp cho biết, Chính phủ hỗ trợ một phần đầu tư hạ tầng để nông thôn tự mình vươn lên, xốc lại tinh thần, đánh thức khát vọng tự tin. Thắng lợi đó được tổng kết thành 6 bài học lớn.

Thứ nhất: Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn - phương châm là nhân dân quyết định và làm mọi việc, nhà nước bỏ ra một vật tư, nhân dân bỏ ra 5-10 công sức và tiền của. Dân quyết định loại công trình, dự án nào cần ưu tiên làm trước, công khai bàn bạc, quyết định thiết kế và chỉ đạo thi công, nghiệm thu công trình. Năm 1971, Chính phủ chỉ hỗ trợ cho 33.267 làng, mỗi làng 335 bao xi măng và năm sau 1972 lựa chọn 1.600 làng làm tốt được hỗ trợ thêm 500 bao xi măng và một tấn sắt thép. Sự trợ giúp này chính là chất xúc tác thúc đẩy phong trào NTM, dân làng tự quyết định mức đóng góp đất, ngày công cho các dự án.

Thứ hai: Phát triển sản xuất để tăng thu nhập. Khi cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng, các cơ quan, đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, khoa học công nghệ giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa. Chính phủ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn để chế biến và tiêu thụ nông sản cũng như có chính sách tín dụng nông thôn, cho vay thúc đẩy sản xuất. Từ năm 1972 đến năm 1977, thu nhập trung bình của các hộ tăng lên 3 lần.

Thứ ba: Đào tạo cán bộ phục vụ phát triển nông thôn Hàn Quốc xác định nhân tố quan trọng nhất để phát triển phong trào SU là đội ngũ cán bộ cơ sở theo tinh thần tự nguyện và do dân bầu. Hàn Quốc đã xây dựng 3 trung tâm đào tạo quốc gia và mạng lưới trường nghiệp vụ của các ngành ở địa phương. Nhà nước đài thọ, mở các lớp học 1-2 tuần trang bị đủ kiến thức thiết thực như kỹ năng lãnh đạo cơ bản, quản lý dự án, phát triển cộng đồng.

Thứ tư: Phát huy dân chủ để phát triển nông thôn. Hàn Quốc thành lập Hội đồng phát triển xã, quyết định sử dụng trợ giúp của Chính phủ trên cơ sở công khai, dân chủ, bàn bạc để triển khai các dự án theo mức độ cần thiết của địa phương. Thành công ở Hàn Quốc là xã hội hóa các nguồn hỗ trợ để dân tự quyết định lựa chọn dự án, phương thức đóng góp, giám sát công trình.

Thứ năm: Phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng Hàn Quốc đã thiết lập lại các HTX kiểu mới phục vụ trực tiếp nhu cầu của dân, cán bộ HTX do dân bầu chọn. Phong trào SU là bước ngoặt đối với sự phát triển của HTX hoạt động đa dạng, hiệu quả trong dịch vụ tín dụng, cung cấp đầu vào cho sản xuất, tiếp thị nông sản, bảo hiểm nông thôn và các dịch vụ khác. Bình quân 1 HTX, 10 năm tăng doanh thu từ 43 triệu won lên 2,3 tỷ won.

Thứ sáu: Phát triển và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bằng sức mạnh toàn dân. Chính phủ quy hoạch, xác định chủng loại cây rừng phù hợp, hỗ trợ giống, tập huấn cán bộ kỹ thuật chăm sóc vườn ươm và trồng rừng để hướng dẫn và yêu cầu tất cả chủ đất trên vùng núi trọc đều phải trồng rừng, bảo vệ rừng. Năm 1970, phá rừng còn là quốc nạn thì sau 20 năm, rừng xanh đã che phủ khắp nước được coi là một kỳ tích của phong trào SU.

Phong trào SU Hàn Quốc đã biến đổi cộng đồng vùng nông thôn cũ thành cộng đồng NTM ngày một đẹp hơn và giàu hơn. Khu vực nông thôn trở thành xã hội năng động có khả năng tự tích lũy, tự đầu tư và tự phát triển. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, Hàn Quốc đã phát động phong trào SU với mức đầu tư không lớn để trở nên giàu có. Đó là những bài học quý để Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tham khảo thúc đẩy NTM thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáu bài học kinh nghiệm quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.