(HNM) - Đúng với những gì lực lượng ly khai tuyên bố, sau khi giành quyền kiểm soát sân bay Donetsk, giao tranh đã mở rộng sang nhiều khu vực.
Xe tăng của phe ly khai ở Donetsk, miền đông Ukraina ngày 1/2/2015 |
Sau khi sân bay Donetsk bị san phẳng, điểm nóng mới đã chuyển đến Debaltseve. Trong vòng 2 ngày qua, thị trấn chiến lược nằm giữa Lugansk với Donetsk này liên tục hứng các trận pháo kích dữ dội từ cả hai phía. Các đơn vị của nước Cộng hòa Donetsk tự xưng đang siết chặt vòng vây bằng chiến thuật chia cắt và kiểm soát các tuyến giao lộ và đường sắt chiến lược ở Debaltseve. Ngày 2-2, một chỉ huy quân sự của phe ly khai cho biết, lực lượng này đang vây hãm 8.000 binh sĩ của quân đội Chính phủ ở Debaltseve. Một đợt tấn công quy mô lớn nhằm chiếm thị trấn lân cận Vugleguirsk để bao vây hoàn toàn Debaltseve cũng đang được quân ly khai triển khai.
Nếu chiếm được Vugleguirsk, kịch bản của "nồi hơi" Ilovaisk từng xảy ra hồi tháng 8-2014 có thể sẽ lặp lại. Khi đó, quân ly khai đã bao vây chặt Ilovaisk, đẩy quân đội Chính phủ Ukraine vào tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", cắt đứt mọi đường tiếp viện và tiêu hao lực lượng dần dần. Theo một thống kê, ở "nồi hơi" này, Ukraine đã mất hơn 1.000 binh sĩ. Chính quyền Kiev đã buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với những người mà họ vẫn gọi là "quân khủng bố" để mở hành lang nhân đạo cho các binh sĩ còn lại rút lui và đặt bút ký khởi đầu cho thỏa thuận hòa bình Minsk (5-9-2014). Còn ở Debaltseve, ước tính có khoảng 10.000 binh sĩ quân đội Ukraine đang hiện diện và phe ly khai tập trung tới 95% hỏa lực cho "nồi hơi" này.
Trong khi đó, cuộc "sát phạt" giữa các nước lớn trên ván cờ địa - chính trị mang tên Ukraine cũng căng thẳng không kém. Liên tục cáo buộc Nga trang bị vũ khí và huấn luyện cho lực lượng nổi dậy gồm xe tăng và các bệ phóng tên lửa đa năng, ngày 2-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đã trao đổi với Tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tướng Philip Breedlove về việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine. Nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến những thay đổi lớn về tương quan lực lượng giữa hai phía. Nghiêm trọng hơn, động thái này có thể kéo các nước lớn vào một cuộc chiến khó lường được hậu quả như người ta từng lo ngại. Nhất là khi Nga tuyên bố tập trung vào việc nâng cao năng lực chiến đấu trên mọi hướng chiến lược trong năm 2015, trong đó có lực lượng hạt nhân chiến lược và lực lượng vũ trang thông thường. Mátxcơva cũng có kế hoạch tăng cường binh sĩ tại các khu vực để đối phó tình hình "quân sự - chính trị" xung quanh Nga; đồng thời hiện đại hóa các lực lượng vũ trang trước năm 2020 nhằm không để Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chiếm ưu thế về quân sự. Theo cáo buộc từ xứ Bạch dương, các nước phương Tây đang tích cực áp dụng những hình thức gây hấn mới, kết hợp các biện pháp quân sự với phi quân sự phối hợp với biện pháp chính trị, kinh tế và thông tin nhằm chống lại Mátxcơva.
Hiện tại, dư luận đang dồn sự chú ý vào chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry tới Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5-2. Sau chuyến thăm, có thể ông J.Kerry sẽ tới Nga để bàn thảo về cuộc khủng hoảng Ukraine. Chuyến công du khá bất ngờ có thể là một trong những bước quyết định tình hình xung đột tại Ukraine theo chiều hướng gia tăng căng thẳng hoặc giảm nhẹ.
Theo thống kê gần đây nhất, kể từ khi bùng phát, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã làm 5.100 người thiệt mạng. Cuộc sống của người dân vùng chiến sự đang ở mức báo động, thiếu thốn nghiêm trọng từ thức ăn, đồ uống đến điện, nước... Không ai biết trước hồi kết là Ukraine sẽ lại thống nhất hay chia năm xẻ bảy. Nhưng với những gì đang xảy ra, chắc chắn đất nước bên bờ Biển Đen sẽ bị tụt hậu hàng thập kỷ. Cuộc chiến ở Donbass chỉ mang lại nỗi đau cho người dân Ukraine.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.