Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sát ngày thi THPT, giáo viên, học sinh vẫn “mơ hồ” với môn ngữ văn

Chu Miên/VOV online| 27/05/2014 14:37

Cả giáo viên và học sinh đều lúng túng không biết ôn luyện như thế nào để đạt kết quả thi cao với thời gian rút ngắn còn 120 phút.

Mặc dù chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cho đến nay, nhiều giáo viên và học sinh lớp 12 ở Hà Nội vẫn còn rất lúng túng với việc ôn luyện môn ngữ văn. Nguyên nhân là bởi vì bắt đầu từ năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm đổi mới cách thức ra đề thi và rút ngắn thời gian thi môn học này từ 150 phút xuống còn 120 phút.

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi gồm hai phần: đọc hiểu và viết (làm văn), trong đó tỷ lệ điểm của phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu. Bắt đầu từ năm nay, đề thi môn ngữ văn sẽ có sự thay đổi cơ bản, đánh giá kiến thức toàn diện, đòi hỏi thí sinh phát huy năng lực đọc hiểu, cảm thụ văn học, chứ không phải kiểm tra học sinh nhớ được tác phẩm đó tới đâu. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT khoảng hơn 1 tháng, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn cách ôn luyện thi môn ngữ văn và khẳng định Bộ sẽ tính toán các câu hỏi để phù hợp với thời gian làm bài của học sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra nhưng nhiều học sinh vẫn rất lúng túng trong ôn luyện môn Ngữ văn (ảnh minh họa)


Thế nhưng, cho đến nay, nhiều giáo viên và học sinh còn “mơ hồ” về sự thay đổi đề thi môn ngữ văn trong khi thời gian làm bài rút ngắn xuống còn 120 phút nên việc ôn luyện còn mang tính tự phát.

Từ trước đến nay, việc ôn luyện môn ngữ văn thường tập trung vào giới hạn một số tác phẩm trong chương trình THPT nên khi có quy định mới, giáo viên không biết nên ôn luyện cho học sinh bắt đầu từ đâu. Còn học sinh cũng không biết ôn tập như thế nào. Nhiều em bày tỏ trông chờ vào vận may nếu đề thi rơi vào phần “trúng tủ”…

Giáo viên không biết ôn luyện cho học sinh bắt đầu từ đâu

Cô Vũ Thị Bình, Tổ phó tổ Văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho rằng, những kỳ thi trước, giáo viên còn biết hướng dẫn ôn luyện cho học sinh theo sự khoanh vùng, giới hạn chương trình mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đề thi sẽ mang tính tổng quát, kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh nên giáo viên của trường chỉ biết nhắc nhở học sinh ôn luyện tất cả các bài văn, bài thơ của chương trình sách giáo khoa THPT.

Theo cô Vũ Thị Bình, thực hiện lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, việc đổi mới môn ngữ văn là cần thiết. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT cần phải thông báo cho thí sinh trước khi bước vào năm học chứ không nên thông báo một cách gấp gáp, cách kỳ thi chỉ có 2 tháng.

Là một địa phương có đông học sinh người dân tộc và ở những vùng khó khăn, cô Ngô Thị Hường đến từ Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai cho ngại, việc thay đổi cách ra đề và thời gian thi môn Ngữ văn một cách đột ngột khiến không ít thầy và trò ở gặp nhiều khó khăn trong ôn luyện. Không giống như những tỉnh, thành có điều kiện kinh tế và điều kiện giảng dạy, học tập thuận lợi khác nên trình độ giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh ở Lào Cai còn hạn chế. Thế nhưng, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn vẫn là đề chung, dành cho tất cả học sinh trên toàn quốc thì học sinh ở những nơi khó khăn không dễ dàng có thể thích nghi được với cách thức làm bài văn theo hướng mới.

Học sinh lúng túng, lo lắng

Không chỉ có giáo viên băn khoăn mà nhiều học sinh cũng tỏ ra lo lắng đối với việc ôn luyện môn học này. Em Nguyễn Quang Vũ, lớp 12D4, trường THPT Việt Đức, Hà Nội e ngại: “Mọi năm, việc ôn luyện Văn học được giới hạn trong một số tác phẩm, nội dung nhưng năm nay, Bộ GD-ĐT thí điểm thay đổi cách thức ra đề và không giới hạn ôn luyện nên chúng em không biết ôn tập như thế nào. Nếu ôn tập tất cả các tác phẩm trong chương trình lớp 12 thì sợ rằng sẽ khó có thể đạt điểm cao”.

Đến thời điểm này, học sinh Nguyễn Ngân Anh, lớp 12T3, trường THPT Việt Đức, Hà Nội vẫn còn băn khoăn với dạng đề thi mà Bộ GD-ĐT dự tính có thể ra như kiểm tra kỹ năng Đọc – hiểu có thể dưới dạng trích đoạn văn bản (có hoặc có thể không có trong sách giáo khoa) với yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi thể hiện kỹ năng Đọc – hiểu.

Theo Ngân Anh, nếu trích đoạn văn bản không có trong sách giáo khoa thì là một khó khăn lớn cho học sinh trong ôn luyện cũng như khi làm bài thi chính thức bởi văn bản đó không phải học sinh nào cũng biết đến.

Ngân Anh cũng bày tỏ hy vọng vào sự may mắn khi đề thi sẽ là những câu “trúng tủ”.

Một điểm đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khiến nhiều học sinh lúng túng là thời gian thi môn Ngữ văn sẽ giảm từ 150 phút xuống còn 120 phút. Theo ý kiến của đa số học sinh, đề thi Văn học bao gồm cả phần nghị luận Văn học và nghị luận xã hội nên với thời gian rút xuống 120 phút sẽ khó cho học sinh làm bài tốt được.

Là học sinh chọn khối C để thi ĐH, CĐ năm nay, Bùi Bích Ngọc, lớp 12A5 trường THPT Phan Đình Phùng Hà Nội đã ôn luyện môn Ngữ văn rất kỹ so với những học sinh chọn thi khối A, B... Tuy nhiên, đến thời điểm chỉ còn vài ngày nữa diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bích Ngọc vẫn cảm thấy lo lắng với thời gian 120 phút vừa phải làm cả phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Bởi phần nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh phải nhớ, hiểu và phân tích đúng nội dung yêu cầu đề thi. Còn phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh phải có những kiến thức, kỹ năng và vận dụng sự sáng tạo trong cách làm bài. Cả 2 phần thi này yêu cầu học sinh phải đạt được năng lực, kỹ năng cảm thụ và phân tích sẽ chiếm phần lớn thời gian làm bài của học sinh

Ngoài ra, còn phần Đọc-hiểu văn bản, Bích Ngọc sợ rằng, học sinh sẽ không làm hết bài nếu như không biết sắp xếp, phân bổ làm các câu hỏi phù hợp với thời gian.

Đồng ý với quan điểm trên, học sinh Trần Nguyệt Hà, lớp 12 D5, trường THPT Trần Phú, Hà Nội nêu ý kiến: “Trước khi bắt đầu làm bài thi, đa số học sinh phải mất từ 5 đến 10 phút để đọc đề và chấn tĩnh tinh thần nên chỉ còn 100 phút vừa nhớ lại kiến thức, suy nghĩ và sáng tạo thì khó có thể làm được hết đề, chứ chưa nói là để bài văn đó hay”.

“Đề thi ngữ văn đòi hỏi thí sinh phải dành một phần thời gian để các em nghiên cứu, phân tích vấn đề chứ không thể bắt tay vào làm ngay như đối với các môn tự nhiên”. Học sinh Trần Tuấn Anh, lớp 12A2, trường THPT Việt Đức khẳng định như vậy và cho rằng, nếu giảm thời gian thi các môn khoa học tự nhiên xuống 120 phút, học sinh có thể làm bài tốt được vì chỉ cần đúng đáp án, kết quả các câu hỏi. Tuy nhiên, đối với một đề ngữ văn bao gồm cả phần nghị luận văn học và Nghị luận xã hội mà thời gian chỉ có như vậy sẽ khiến học sinh khó khăn trong đọc hiểu, trình bày vấn đề cũng như bày tỏ tư duy, chứng kiến, cảm xúc và sự sáng tạo của mình.

Trong sáng 2/6, học sinh cả nước sẽ chính bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Với những lo lắng của đông đảo giáo viên và học sinh cho việc ôn luyện môn học này khi mà ngày thi đang cận kề đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải xem xét kỹ lưỡng cách thức phổ biến đổi mới thi và đánh giá học sinh./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sát ngày thi THPT, giáo viên, học sinh vẫn “mơ hồ” với môn ngữ văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.