Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắp hết cảnh “cha chung...”?

Chí Đạo| 18/04/2011 07:19

(HNM) - Chất lượng vật tư nông nghiệp và công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đang ảnh hưởng rất lớn đến giá trị nông sản và sức khỏe nhân dân. Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhiều lần xử lý nhưng vi phạm vẫn tái diễn, năm sau nhức nhối hơn năm trước…


Phát hiện vi phạm như "muối bỏ bể"


Quản lý tốt các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp sẽ tạo thuận lợi cho nhà nông sản xuất tốt hơn. Ảnh: Thái Hiền


Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, qua kiểm tra 720 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giống cây trồng trong thời gian vừa qua đã phát hiện 14 tổ chức, cá nhân vi phạm về điều kiện sản xuất; phạt hành chính 24 tổ chức, cá nhân vi phạm. Trong một báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT về triển khai thí điểm kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản tại Thanh Hóa và Tiền Giang; kiểm tra chè tại Yên Bái và Phú Thọ; kiểm tra thủy sản tại 24 tỉnh, thành, cho thấy 30% số cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp chưa đạt yêu cầu theo quy định; con số vi phạm ở nhóm SXKD thủy, hải sản là 60%...

Vấn đề quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y cũng tương tự. Tại Thanh Hóa, Tiền Giang có đến 68% số cơ sở SXKD được kiểm tra chưa đạt yêu cầu; cơ sở sơ chế rau, quả tươi là 67%. Đáng lo ngại hơn, trong 200 công ty kinh doanh, 79 cơ sở sản xuất và 29.000 cửa hàng buôn bán thuốc BVTV trong cả nước, thì hầu hết phải nhập khẩu thuốc BVTV, sau đó sang chiết, đóng gói. Về vấn đề này, riêng tỉnh Thanh Hóa có 36% số cơ sở chưa đạt yêu cầu; tại Tiền Giang là 60%. Kiểm tra tại các cửa khẩu cũng phát hiện 4 đến 5% số lô hàng thuốc BVTV nhập về không đạt yêu cầu. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, cơ chế, chính sách quản lý, quy định trong lĩnh vực này đã rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ, tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm vẫn cao. Nguyên nhân là do Nghị định xử phạt ban hành từ năm 2003, đến nay đã lạc hậu, mức xử phạt thấp, tính răn đe không cao. Hơn nữa, việc triển khai ở cấp huyện, xã gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và trình độ hạn chế. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, việc phát hiện vi phạm vẫn như "muối bỏ bể" bởi lực lượng thanh tra chuyên ngành ở cấp bộ và các tỉnh rất mỏng. Như tỉnh Đắc Lắc, mỗi năm tiêu thụ 800.000 tấn phân bón trong khi thanh tra Sở NN&PTNT chỉ có 5 người.

Trong vấn đề quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y, khảo sát của cơ quan chức năng ở ba miền thì miền Bắc là yếu nhất. Phần lớn các cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh, cơ sở giết mổ ở khu vực nông thôn phổ biến là không phép. Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, quản lý giết mổ tại nhiều địa phương còn chồng chéo, không rõ trách nhiệm quản lý.

Thống nhất đầu mối quản lý

Trước tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó, mức độ vi phạm và mức phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh được phân thành 3 cấp: nhẹ, nặng và nghiêm trọng; A (tốt), B (đạt) và C (không đạt). Bộ NN&PTNT yêu cầu, việc kiểm tra phải bao gồm cả cấp trung ương, tỉnh, huyện và xã. Tức là cơ sở SXKD nằm ở đâu, do cấp nào cấp phép sẽ do chính cấp đó quản lý. Ngoài ra, từ ngày 1-7-2011, Luật ATTP chính thức có hiệu lực, quy định trách nhiệm quản lý ATTP về một số đầu mối chính, chấm dứt tình trạng nhiều bộ, ngành cùng quản lý, gây chồng chéo, kém hiệu quả, khó quy trách nhiệm. Vệ sinh ATTP sẽ được kiểm soát theo chuỗi, từ gốc tới tay người tiêu dùng. Quản lý từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đến con người làm ra sản phẩm theo các tiêu chuẩn, quy định mà quốc tế đang áp dụng. Đặc biệt, mỗi lĩnh vực trong nông nghiệp sẽ có những quy chuẩn về ATTP riêng biệt, như 34 tiêu chuẩn thú y; 5 tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi; 7 tiêu chuẩn về thủy sản; cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu vệ sinh chung... Tuy nhiên, để đưa luật đi vào cuộc sống cần nhanh chóng khắc phục một số tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh việc thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản ở các tỉnh (hiện mới có 49 tỉnh đã thành lập; ở trung ương một số cục chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT vẫn chưa thành lập phòng chuyên trách mà vẫn chỉ là kiêm nhiệm); đào tạo nhân lực; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất...

Năm 2011 được Bộ NN&PTNT chọn là năm chất lượng vật tư nông nghiệp và chất lượng nông sản thực phẩm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, cần xây dựng một bộ tiêu chí thống nhất để triển khai đồng loạt tại các địa phương. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thành văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn làm cơ sở cho các tỉnh triển khai đạt kết quả tốt. Hiện, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng 2 dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; hoàn thiện dự thảo chiến lược về ATTP đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 gửi Bộ Y tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sắp hết cảnh “cha chung...”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.