(HNM) - Đêm thi phong cách thính phòng mở màn cho Vòng chung kết toàn quốc Sao Mai 2011 diễn ra tối 14-8 đã lấy được cảm tình của khán giả bởi những chọn lựa bài hát đã lạ hơn của 9 thí sinh...
Thí sinh Vũ Thắng Lợi (phải) và Đào Thị Tố Loan trong đêm chung kết thính phòng Sao Mai 2011. |
Một đêm đổi mới
Có vẻ như 9 thí sinh bước vào vòng chung kết toàn quốc của phong cách thính phòng đã thông minh khi chọn lựa nhiều bài hát nghe lạ tai. Vũ Thắng Lợi luôn để lại nhiều ấn tượng với những ca khúc anh chọn hát. Chính Thắng Lợi đã làm cho một bài có vẻ rất mới là "Lời con muốn nói" (Xuân Thủy) trở nên ấm áp, giàu cảm xúc và gần với khán giả hơn. Còn "Khúc hát đảo quê hương" khiến nhiều người xúc động, nhưng ở cung bậc khác - tràn ngập niềm tự hào. Khi Huyền Hương hát "Mai' (Xuân Ba), khán giả hứng thú với những câu hát đằm thắm, sâu lắng. Còn "Nhớ đàn xe nước" (Vân Đông), "Nhớ em nơi ấy Trường Sơn" (Phạm Vinh Quang) mà Nguyễn Duy Quyết trình bày là một trải nghiệm thú vị cho người nghe. "Tiếng hát tình yêu" (Võ Đăng Tín) do Phạm Khánh Ngọc hát cũng trong trẻo và mới mẻ trong phong cách thính phòng. Một số ca khúc ít được đem ra thi thố cũng xuất hiện trên sân khấu Sao Mai vừa qua.
Có lẽ từ phản ứng của khán giả trước những "món" quá cũ, lặp lại trong vòng chung kết các khu vực mà thí sinh và BTC đã có điều chỉnh tích cực. Đêm thi vừa qua cho thấy họ không hề mạo hiểm chút nào khi chọn những ca khúc khác những năm trước để dự thi. Khả năng, độ vững vàng trong kỹ thuật thanh nhạc và cách ứng phó trên sân khấu vẫn được phô bày. Quan trọng vẫn là sự phù hợp.
Băn khoăn kết quả
Đào Thị Tố Loan (Hà Nội) xứng đáng là người được xướng tên đầu tiên vào đêm chung kết xếp hạng. Ngoài kỹ thuật thanh nhạc tốt, giọng hát sáng, Tố Loan biết cách luyến láy cho mềm những ca khúc mang âm hưởng núi rừng như "Tiếng sáo" (Phạm Minh Tuấn) và "Ở rừng nhớ anh" (An Thuyên). Tuy nhiên, để đến được ngôi vị quán quân, Tố Loan nên tiết chế giọng hát và có độ "lắng" cần thiết trong những nốt cao.
Chàng trai người Quảng Ngãi, Vũ Thắng Lợi chiếm được nhiều cảm tình của khán giả khi hát rất nồng nàn bài "Khúc hát đảo quê hương" (Phạm Đình Sáu). Giọng Thắng Lợi có âm vực rộng, vang, khỏe khoắn biết tiết chế mềm mại. Anh nổi bật như quán quân Lê Xuân Hảo của Sao Mai 2009.
Điều người xem ngỡ ngàng là Nguyễn Khánh Ly (Bắc Giang) một lần nữa được bình chọn nhiều nhất và ung dung bước vào đêm xếp hạng. Đêm 14-8, nghe Khánh Ly hát giọng rất đuối, run rẩy và nhiều chỗ khá phô. Xem cận cảnh trên truyền hình mới thấy cô thật vất vả trong một bài "bay" như "Khát vọng" (Phạm Minh Tuấn). Với "Cám ơn mẹ" (Đức Trịnh), Ly còn hát kém hơn, không tiết chế được lúc lên cao và xuống thấp. Chiếc "vé" đi tiếp cho Khánh Ly để lại nhiều nuối tiếc bởi nhiều gương mặt "sáng" không được đi tiếp vào vòng sau.
Vẫn không đổi giờ phát sóng lên 20h như dự định, nhưng khán giả đã "chịu" thức đến gần 24h để theo dõi hết chương trình, âu đó cũng là điều thành công. Biết khắc phục sự cố, điều chỉnh nội dung chương trình (dù là cuộc thi) theo thị hiếu nên Sao Mai 2011 đã hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, một số điểm mới trong cuộc thi đã để lại băn khoăn cho khán giả về kết quả vào vòng trong của thí sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.