(HNM) - Giáo dục mầm non là bậc học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Trên thực tế, bậc học này còn thiếu các bài giảng sinh động giúp trẻ tiếp thu và phát triển.
Nhận thức rõ điều này, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội gồm Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Hoàng Dung, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Thu Hằng, Nghiêm Minh Hoàng, Vũ Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Nhung và Nguyễn Thị Quỳnh đã xây dựng dự án phát triển giáo dục mầm non OQ. Dự án giành giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp 2011 và đang phát huy hiệu quả cao trong thực tế dạy và học ở nhiều trường mầm non.
Màu sắc chủ đạo mà nhóm chọn là màu xanh lá cây với ý nghĩa gieo mầm ước mơ. Sản phẩm của OQ gồm gói sản phẩm hỗ trợ và các bài học mầm non với hai mảng hoạt động chính là cung cấp học liệu, xây dựng giờ học tiếp nối. Học liệu của OQ gồm đồ chơi giấy, các cuốn vở tập tô có nhiều chi tiết khác nhau không chỉ giúp các bé tô vẽ mà có thể tách, lắp ghép các chi tiết để tạo ra đồ chơi mới. Phương pháp giảng dạy sẽ sinh động hơn thông qua việc minh họa bằng nhiều tranh ảnh, các bài giảng sẽ chú trọng hơn đến chủ đề nghề nghiệp…
Trưởng nhóm Nguyễn Quang Vinh (sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại) chia sẻ: "Lúc đầu, nhóm thành lập dự án với mục đích giúp trẻ em được vui chơi. Sau một thời gian thử nghiệm, nhóm nhận ra đồ chơi không phải lúc nào cũng cần thiết, không có ý nghĩa nhiều lắm cho sự phát triển của trẻ. Ngược lại, nếu các học liệu này hướng vào việc học tập thì rất tốt trong việc rèn luyện kỹ năng cho trẻ. Từ suy nghĩ đó, nhóm xoay sang hướng phát triển các học liệu và phương pháp giảng dạy giúp cho trẻ học tập hiệu quả". Trước khi tham gia cuộc thi Khởi nghiệp 2011, nhóm đã tiến hành thử nghiệm học liệu và phương pháp giảng dạy của mình ở 10 trường mầm non trong nội thành Hà Nội. Hầu hết các trường đều e ngại khi lần đầu tiếp cận với OQ do đã quen với các sản phẩm thường dùng và mỗi giáo viên đều có một giáo trình giảng dạy ổn định. Không nản lòng, nhóm xin phép các trường mẫu giáo để tổ chức các buổi dạy thử nhằm xem phản ứng của chính các em. Bản thân giáo viên cùng chứng kiến quá trình dạy, chơi bằng học liệu và phương pháp OQ. Nhận thấy sự thay đổi thái độ tích cực của các em qua phương pháp mới nên các thầy cô nhanh chóng bị thuyết phục.
Hiện nay, ngoài việc triển khai dự án ở các trường mầm non khu vực nội thành Hà Nội, nhóm đang tiếp tục thử nghiệm ở các trường ngoại thành. Nhóm cũng nhận định rằng, nếu sản phẩm chỉ hướng đến các trường mầm non nơi đô thị, gia đình các em nhỏ đa phần đều có điều kiện kinh tế khá thì ý nghĩa xã hội của dự án không cao. Vì vậy, mục tiêu sắp tới của nhóm là sẽ mang sản phẩm của mình đến trẻ em vùng sâu, vùng xa nhằm phát triển đồng đều cả thế hệ măng non của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.