(HNM) - Trong chủ đề công tác năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của thành phố Hà Nội thì “sáng tạo” được xem là động lực, điểm tựa để bảo đảm cho thành phố luôn vượt lên thách thức, phát triển nhanh, bền vững. Đây cũng là nền tảng để khẳng định vị thế Hà Nội trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới, do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.
Không có một khái niệm cố định nào cho sáng tạo. Nhưng nhiều tài liệu và các học giả nghiên cứu về lĩnh vực này đều có quan điểm khá tương đồng: Sáng tạo là đưa những ý tưởng, sáng kiến ứng dụng vào thực tế. Thực tế cho thấy, sáng tạo là một nguồn lực có sức mạnh vô cùng lớn, có thể mang đến sự đổi thay cả về lượng và chất cho toàn xã hội.
Đầu năm 2020, khi vi rút SARS-CoV-2 có nguy cơ lây nhiễm mạnh trong cộng đồng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng các kịch
bản tăng trưởng, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều phiên họp giữa Thường trực Thành ủy với đại diện các ngành, lĩnh vực và đối thoại, làm việc với các doanh nghiệp đã diễn ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nhờ thế, ngay khi đợt dịch lần thứ nhất được kiểm soát, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước bước vào cuộc bứt phá phát triển kinh tế - xã hội trong “trạng thái bình thường mới”, tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” (ngày 27-6-2020), thu hút số dự án tăng 5 lần và tổng giá trị vốn tăng gấp 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016.
Chính sự sáng tạo, nhìn xa, làm sớm này mà tăng trưởng năm 2020 của Hà Nội đạt 3,98%, cao gấp 1,4 lần bình quân cả nước. Ngoài ra, nhờ làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ trong năm 2020, Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên được hơn 3.000 tỷ đồng, dành tất cả để chi cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch Covid-19 và đầu tư phát triển.
Đi liền với sáng tạo trong phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”. Do sáng tạo trong tổ chức, nắm bắt trúng nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của nhân dân nên Hà Nội đã trở thành điểm đến của nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế. Và với sự chủ động, nỗ lực lớn, hôm nay (22-3) thành phố Hà Nội chính thức công bố các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình và tiến tới là đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng - điều mà sau mấy chục năm xúc tiến vẫn chưa hoàn thành.
Chưa dừng lại ở đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác lớn toàn khóa, trong đó có Chương trình số 07-CTr/TU “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đó thực sự là nền tảng, tầm nhìn dài hạn để xây dựng Hà Nội thành “thành phố sáng tạo” đúng nghĩa, vươn tới tầm nhìn “kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á; thích ứng với chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấn tượng từ nỗ lực đổi mới sáng tạo của Hà Nội thời gian qua, vẫn còn những vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm của các cá nhân, tập thể. Đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa của cán bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” từ năm 1947 đến nay vẫn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nghiêm trọng hơn, đó là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ “quyền anh, quyền tôi”, móc ngoặc tham nhũng tiêu cực và thói quen “xin - cho” vẫn lẩn khuất đâu đó, vốn đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng ở chỗ này chỗ khác vẫn chưa được "trị" dứt điểm.
Thực tế, để thực hiện mục tiêu phát triển của thành phố đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành và từng cá nhân. Đặc biệt, để tham gia mạnh mẽ vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, hướng tới tầm nhìn “kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á thì Hà Nội cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó cần triển khai hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU. Trước hết là các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực nghiên cứu, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, tạo dựng nền tảng thành phố thông minh; xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong tất cả các khâu, các bước ở mọi công việc. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, tiêu cực, nhũng nhiễu; có thêm cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hiệu quả, tạo động lực để nguồn sáng tạo ngày càng trở nên dồi dào hơn.
Sáng tạo vốn là kết quả của sự tâm huyết và hành động thống nhất, quyết liệt. Tin tưởng rằng, những đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện công việc của thành phố Hà Nội tiếp tục được ủng hộ và phát huy trong năm 2021 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, và là điểm tựa vững chắc cho những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.