Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng mãi chân lý ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do''

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn| 17/07/2021 06:17

(HNNN) - Cách đây tròn 55 năm, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân phá hoại miền Bắc, ngày 17-7-1966, trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thúc giục quân dân cả nước đồng tâm, nhất trí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Hàng chục vạn thanh niên Thủ đô đã tình nguyện lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Kim Hùng/TTXVN

1. Thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước trước ngàn vạn điều cay đắng của cuộc đời, Bác Hồ đã sớm cảm nhận một cách sâu sắc: “Cay đắng chi bằng mất tự do”, không có tự do thì không còn hạnh phúc. Quan niệm hạnh phúc được Người khái quát trong tiêu ngữ “ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” được gắn liền với Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, trở thành mục tiêu phấn đấu cho toàn dân, trở thành cơ sở cho mọi suy nghĩ và hành động.

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Bác Hồ đã khẳng định quyết tâm chiến lược của dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là ý chí, là nguyện vọng của toàn dân Việt Nam, là chân lý của thời đại.

Hưởng ứng lời kêu gọi vang dậy núi sông đó của Bác Hồ, quân và dân ta từ Nam ra Bắc, phát huy lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lại được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè thế giới, đã làm phá sản hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965 - 1966 và năm 1966 - 1967 của Mỹ - ngụy. Chúng ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - là đòn sét đánh làm cho hơn 1,2 triệu quân Mỹ - ngụy và chư hầu trở tay không kịp, phải kinh hoàng, lúng túng, dồn đế quốc Mỹ ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự chiến lược. Quân dân miền Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, bắn rơi trên 3.000 máy bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn bị thương hơn 150 tàu chiến của địch. Đó là đòn giáng vào chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, mở ra một cục diện mới, buộc đế quốc Mỹ phải thương lượng với ta ở Hội nghị Paris.

Cùng với chiến thắng trên tiền tuyến, ở khắp hậu phương miền Bắc dấy lên các phong trào thi đua sôi nổi. Công nhân có cuộc vận động “Ba xây, ba chống”, nông dân có cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật”, phụ nữ có phong trào “Ba đảm đang”, phụ lão một số nơi có phong trào “Bạch đầu quân”, thanh niên cả nước có phong trào “Năm xung phong”... Nhân dân ta nêu cao khẩu hiệu vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”. Địch đánh phá mạnh hòng đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, do đó, bằng mọi cách phải duy trì được sản xuất. Muốn đánh thắng, trước hết phải bảo đảm được sản xuất. Muốn đánh thắng, trước hết phải bảo đảm cho quân dân ta được ăn no. Bác Hồ quan tâm hàng đầu đến sản xuất nông nghiệp khi cho rằng: “Dù khó khăn đến mấy, vấn đề lương thực cũng phải giải quyết cho được. Nếu không làm được lúa, phải chuyển nhanh, thiếu cơm có khoai, thiếu khoai có sắn”.

2. Được soi sáng bởi chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1972 thu được thắng lợi lớn, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch, tình thế có lợi cho ta, làm chuyển biến cục diện chiến tranh để quân dân ta tiến lên giành thắng lợi to lớn mới. Bị thua đau ở miền Nam, chính quyền R.Nixon mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều vùng khác trên miền Bắc, hòng đưa chúng ta “trở về thời kỳ đồ đá” . Đó là hành động tuyệt vọng của chúng. Với khí phách quật cường “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ”, quân dân ta đã lập chiến công “Điện Biên Phủ trên không”, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 “pháo đài bay” B52 của đế quốc Mỹ.

Tính chung từ ngày 5-8-1964 (ngày máy bay Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc) đến ngày 17-1-1973, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 4.181 máy bay Mỹ, trong đó có 68 B52, 13 F-111, bắt sống 472 phi công và tiêu diệt hàng ngàn giặc lái; 271 lần bắn chìm, bắn cháy tàu chiến và tàu biệt kích Mỹ. Thua đau ở Việt Nam, ngày 27-1-1973, chính quyền R.Nixon phải ký Hiệp định Pari. Ngày 29-3-1973, đội quân viễn chinh Mỹ phải âm thầm, cay đắng cuốn cờ về nước.

Hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thanh Hóa vừa sản xuất nông nghiệp, vừa sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Tư liệu

3. Thừa thắng, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong 55 ngày đêm tiến công, ta đã “đánh cho ngụy nhào”, tiêu diệt và làm tan rã hơn 1 triệu quân địch và 1,5 triệu tên thuộc lực lượng phòng vệ dân sự. Vào 10h45 phút ngày 30-4-1975, ta chiếm Dinh Độc Lập. Từ đây đất nước ta thống nhất, giang sơn ta thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn mong muốn của Bác Hồ và làm sáng ngời hiện thực của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chúng ta đã vào cuộc trường chinh xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” với công cuộc đổi mới theo sự chỉ dẫn của Bác Hồ “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, để đi tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo con đường Người đã vạch ra: “Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi... Máy sẽ chắp thêm tay cho con người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hóa nước nhà... là con đường ấm no thật sự của nhân dân ta”.

Thực tế lịch sử đã cho thấy tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mãi mãi là niềm tin và tự hào của loài người, vì đó là chân lý vĩnh hằng cho mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi giai đoạn và ở mọi thời kỳ lịch sử. Lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng cho dân tộc Việt Nam và cho tất cả những người yêu nước trên khắp năm châu đang đấu tranh cho hòa bình, tự do và độc lập dân tộc. Trong số những người con xuất sắc trên hành tinh chúng ta, tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi lên như một ngôi sao sáng chói. Câu nói bất hủ của Người “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” vang lên thức tỉnh những người yêu nước, thúc giục họ đứng lên trong cuộc đấu tranh thiêng liêng vì tự do...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi chân lý ''Không có gì quý hơn độc lập, tự do''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.