(HNM) - Chỉ với hai thùng nhựa, bột keo tụ, ống dẫn và hệ thống bơm lọc…, chi phí khoảng vài trăm nghìn đồng, kết hợp với những kiến thức về hóa lý, ý tưởng về “Hệ thống xử lý và tái sử dụng nước rửa tay” được đánh giá cao.
Trăn trở trước thực trạng thiếu nước sạch mỗi khi hè về, cô và trò Trường Trung học cơ sở (THCS) Thanh Am đã có sáng kiến tái sử dụng nước rửa tay, nhằm tiết kiệm nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường. Chia sẻ về mô hình, cô Nguyễn Thị Ngọc - Bí thư Đoàn, giáo viên môn hóa - sinh của Trường THCS Thanh Am cho biết: “Khi thấy học sinh có ý tưởng, tôi rất mừng và khuyến khích, ủng hộ các em thực hiện”.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc hướng dẫn học sinh sử dụng hệ thống xử lý và tái sử dụng nước rửa tay. |
Thay mặt cho "nhóm tác giả", Vũ Nguyễn Nhật Anh (lớp 9A1, Trường THCS Thanh Am) cho biết, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, kết hợp với những kiến thức đã học, Vũ Nguyễn Nhật Anh với bạn cùng lớp là Đỗ Ngọc Ánh đã miệt mài nghiên cứu để tìm ra nguyên lý hoạt động của “Hệ thống xử lý và tái sử dụng nước rửa tay”. Và sau 3 tháng, ý tưởng đã trở thành hiện thực.
Mô hình sử dụng các dụng cụ đơn giản, dễ kiếm, chi phí thấp, như: Phèn, bột keo tụ PAC, dụng cụ chứa nước bẩn là các thùng nhựa có nắp đậy, hệ thống cảm biến, hệ thống lọc, thùng chứa nước sạch sau khi được xử lý…
“Nguồn nước rửa tay chủ yếu thành phần là cặn bẩn và xà phòng có tính kiềm cao. Do vậy, hệ thống sẽ thực hiện chức năng xử lý, lọc sạch cặn bẩn và trung hòa tính kiềm của xà phòng trong nước để tái sử dụng làm nước rửa, vừa tiết kiệm, vừa giảm thải ra môi trường. Đặc biệt chúng tôi phải tính toán kỹ lượng phèn sử dụng, bảo đảm trong định lượng cho phép, không gây độc hại. Sau khi xử lý, nước có độ sạch, độ trong tương đương với nước máy” - cô Nguyễn Thị Ngọc cho biết.
Hăng say giới thiệu về nguyên lý hoạt động của hệ thống, Đỗ Ngọc Ánh cho biết: “Sau khi rửa tay, nước xà phòng sẽ chảy xuống thùng chứa nước bẩn số 1. Trong quá trình nước chảy xuống sẽ tác dụng lên cần đẩy của thiết bị cảm biến. Khi nhận được tín hiệu nước chảy, hệ thống sẽ tự động mở van, dung dịch chất keo tụ PAC pha sẵn chảy xuống thùng chứa hòa lẫn với nước rửa tay để tạo cặn trong thùng chứa. Bơm tự động chạy, bơm nước đi qua hệ thống lọc, đồng thời khử mùi cho nước. Sau khi nước được lọc sạch sẽ chảy vào thùng chứa số 2”.
Cô Nguyễn Thị Ngọc cho biết thêm: “Hệ thống được thiết kế nhỏ gọn nên có thể lắp đặt trong nhà vệ sinh gia đình hay cơ quan. Đặc biệt, hệ thống có lắp đặt thiết bị cảm biến tự động nên khi sử dụng không cần lo bật - ngắt nguồn điện”.
Phấn khởi vì ý tưởng thành công, đem lại lợi ích thiết thực, Nhật Anh vui vẻ nói: “Em rất vui khi thấy mình làm được việc hữu ích. Em mong muốn được chia sẻ sáng kiến này với thầy cô và các bạn trường khác, để cùng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sống”.
“Hệ thống xử lý và tái sử dụng nước rửa tay” đã và đang hoạt động tốt ngay trong nhà vệ sinh Trường THCS Thanh Am. Để kiểm tra độ pH của nước sau khi lọc qua hệ thống, nhà trường đã sử dụng giấy quỳ, kết quả cho thấy độ trung tính của nguồn nước bảo đảm.
Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Am Trần Thị Thanh Hà khẳng định: “Hệ thống được đưa vào thử nghiệm từ năm 2018, trước mắt nước sau xử lý được sử dụng vào một số việc tưới cây, lau, rửa nhà..., giúp tiết kiệm được gần 50% lượng nước sạch tiêu thụ hằng tháng, giảm 50% nước thải ra môi trường. Tôi đánh giá rất cao sáng kiến này cũng như tính ứng dụng thực tiễn của hệ thống, qua đó giáo dục được ý thức của học sinh trong việc bảo vệ môi trường”.
Cũng theo bà Thanh Hà, sắp tới, nhà trường sẽ đưa mẫu nước đã qua hệ thống xử lý đến các trung tâm kiểm nghiệm chất lượng để kiểm tra, bảo đảm nguồn nước sạch, có thể sử dụng trong nhiều việc và nhân rộng mô hình này tại các trường học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.