(HNM) - Sau nhiều lần đàm phán căng thẳng, cuối cùng Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận nhằm giúp vận chuyển ngũ cốc từ ba cảng của Ukraine ra thế giới, đã được gia hạn vào phút chót. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, giúp chống đỡ cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung lương thực trên thế giới.
Theo thông tin từ Ukraine, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn thêm 120 ngày. Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã đăng lên tài khoản cá nhân trên mạng xã hội thông điệp cảm ơn Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vì đã kiên trì với thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của nước này. Tuy nhiên, thông tin từ phía Nga lại khẳng định, thỏa thuận chỉ được gia hạn thêm 60 ngày. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã đăng tải kèm 2 văn kiện đều ấn định thời hạn 60 ngày, gồm thông báo của Đại sứ Nga gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc và thông báo của Đại sứ quán Nga gửi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ. Mátxcơva cho rằng, nếu phương Tây thực sự quan tâm đến việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine thông qua hành lang nhân đạo trên biển thì trong vòng 2 tháng tới phải chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ba cảng trong thỏa thuận, gồm Odessa, Chornomorsk và Pivdennyi có tổng năng lực vận chuyển khoảng 3 triệu tấn/tháng. Nhờ thỏa thuận này, từ tháng 8-2022 đến nay, khoảng 25 triệu tấn lương thực đã được xuất khẩu từ Ukraine, giúp hạ nhiệt giá lương thực toàn cầu từ mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, mới chỉ có một phần nhỏ trong số 260.000 tấn phân bón của Nga bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu được thông quan kể từ khi nổ ra xung đột hồi cuối tháng 2-2022. Đây là điều Nga cho rằng không thể hiện sự công bằng.
Ukraine muốn thỏa thuận trên được gia hạn ít nhất một năm và đưa thêm cảng Mykolaiv vào hành lang này. Mykolaiv là cảng ngũ cốc lớn thứ hai Ukraine nên việc bổ sung cảng này sẽ làm tăng khối lượng ngũ cốc được xuất khẩu. Tuy nhiên, Nga khẳng định sẽ phản đối gia hạn thỏa thuận trên cho đến khi các biện pháp cụ thể được thực hiện để mở đường cho xuất khẩu nông sản của Nga. Dù xuất khẩu nông sản không phải là mục tiêu công khai trong các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng nước này cho rằng, các lệnh cấm đối với hoạt động thanh toán, logistics và ngành Bảo hiểm là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Đồng thời, Nga muốn phương Tây nới lỏng các hạn chế đối với Ngân hàng Nhà nước Rosselkhozbank, ngân hàng chuyên phục vụ hoạt động xuất khẩu của nước này.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), trong tháng 2-2023, chỉ số giá lương thực thế giới là 129,8 điểm, giảm nhẹ so với mức 130,6 điểm ghi nhận hồi tháng 1 và giảm khoảng 19% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3-2022. Trong báo cáo ước tính nguồn cung và nhu cầu ngũ cốc, FAO đã nâng dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2023 lên 2,765 tỷ tấn so với ước tính 2,756 tỷ tấn trước đó. Liên hợp quốc cũng cảnh báo về mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững khi nền kinh tế toàn cầu không ổn định và tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng cũng như nhu cầu nhân đạo vượt xa các nguồn lực. Năm 2023, các tổ chức nhân đạo sẽ cần một khoản tiền chưa từng có là 54 tỷ USD để hỗ trợ gần 347 triệu người ở 69 quốc gia.
Theo Liên hợp quốc, xung đột, khủng hoảng khí hậu và vật giá leo thang là 3 nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó xung đột là nguyên nhân số một. Nếu cuộc chiến tại Ukraine không dừng lại và trong vòng 2 tháng tới, Nga và Phương Tây không đạt được thỏa thuận liên quan tới các lệnh trừng phạt, cuộc khủng hoảng lương thực có nguy cơ sẽ quay trở lại mức đỉnh, gây ra nhiều hậu quả khó lường cho thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.