(HNM) - Công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rau an toàn (RAT) của Hà Nội cơ bản đi vào nền nếp. Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn còn không ít cơ sở sản xuất sai phạm, đòi hỏi phải
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ngọc Diệp |
Vùng sản xuất rau trên địa bàn thành phố hay bị liên đới vào các vụ việc lình xình liên quan đến tiêu thụ RAT là ở xã Vân Nội (Đông Anh). Sau vụ một doanh nghiệp bị tố thu mua rau không rõ nguồn gốc về "phù phép" biến thành RAT và cấp cho các siêu thị là việc một cá nhân lợi dụng uy tín của Hợp tác xã (HTX) RAT Đạo Đức để trà trộn rau không rõ nguồn gốc đem đi tiêu thụ.
Chủ tịch UBND xã Vân Nội Trần Văn Thoan cho biết, diện tích chuyên trồng rau của xã có 109ha, căn cứ vào tình hình thực tế xã đã xây dựng kế hoạch vùng sản xuất, giao cho các thôn và HTX sản xuất. Hiện Vân Nội có 10 HTX và 4 doanh nghiệp làm dịch vụ sản xuất, sơ chế và tiêu thụ RAT với diện tích khoảng 50ha. Do nhu cầu của thị trường, các HTX đều mở rộng liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ, thu mua sản phẩm của một số tỉnh lân cận. Thực tế này diễn ra từ nhiều năm nay bởi với vùng rau Vân Nội không thể sản xuất tất cả các loại rau theo nhu cầu thị trường. Vấn đề đặt ra là một số đơn vị không nghiêm chỉnh trong việc công bố rõ nguồn gốc sản phẩm thu mua ở địa phương khác về Vân Nội sơ chế. Hiện địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ hoạt động của các đơn vị trên địa bàn để có biện pháp chấn chỉnh, tránh sai sót gây ảnh hưởng tới cả vùng RAT đã được cấp có thẩm quyền cấp phép...
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, với chế tài xử phạt như hiện nay, trong trường hợp đơn vị vi phạm, tùy thuộc hành vi có thể xử phạt hành chính bằng 60-100% giá trị của sản phẩm là quá thấp. "Cách kiểm tra, xử phạt như hiện nay hoàn toàn không đủ sức răn đe đối với các đơn vị, cá nhân làm ăn gian dối. Trong khi đó, cả một vùng rau, nông dân nỗ lực sản xuất tốt thì khi có thông tin rau mất an toàn, cả nghìn người bị vạ lây. Do vậy, đi đôi với việc thường xuyên lấy mẫu tại các chợ đầu mối và các vùng sản xuất, qua phân tích kiểm tra nếu thấy địa phương, đơn vị nào "có vấn đề" cơ quan chức năng cần công bố rộng rãi để người tiêu dùng biết, cũng như cảnh báo nông dân ở các vùng sản xuất đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời" - ông Tạ Văn Cường, Phó Trưởng phòng Quản lý nông sản - Chi Cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, việc quản lý RAT đang được đưa đến tiêu thụ tại các chợ, siêu thị vẫn đang là "nước cờ chiếu bí" đối với cơ quan quản lý. Nếu tiếp tục "khoán trắng" cho các đơn vị cung cấp RAT như hiện nay, sẽ còn nhiều đơn vị tiếp tục làm ăn gian dối. Do đó, dư luận cho rằng, ngoài việc xử lý các đơn vị cung ứng có hành vi vi phạm thì cũng phải xem xét và ràng buộc trách nhiệm của các nhà phân phối chứ không thể để họ vô can, đứng ngoài cuộc như hiện nay. Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng gian dối thì không chỉ thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện để sản xuất RAT là xong mà cần tách bạch trách nhiệm để xử lý nghiêm minh các cá nhân trực tiếp có liên quan. Có như vậy, niềm tin vào RAT của cộng đồng mới được củng cố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.