Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất rau màu tại Hà Nội: Linh hoạt các giải pháp thích ứng

Bạch Thanh| 01/12/2021 06:11

(HNM) - Trong khi nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng cao thì sản xuất rau màu tại Hà Nội vẫn đang gặp không ít khó khăn. Đó là việc chi phí sản xuất (giá giống, vật tư, nhân công…) tăng cao với mức tăng trung bình khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước, thời tiết bất lợi cho canh tác và đặc biệt là dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, nông dân Hà Nội đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp thích ứng với điều kiện mới, bảo đảm ổn định thu nhập...

Thành phố Hà Nội có hơn 13.500ha rau màu các loại và đã hình thành các vùng rau ăn lá, rau củ, quả. Trong ảnh: Chăm sóc cây măng tây tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Quyết Tiến (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Nguyễn Quang

Rải vụ, lệch vụ và đa dạng hóa cây trồng

Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân ở huyện Ba Vì đã áp dụng phương thức sản xuất cuốn chiếu, rải vụ, chia nhỏ diện tích, đa dạng cơ cấu cây trồng. Bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Cao Nhang, thị trấn Tây Đằng cho biết: Thay vì trồng duy nhất rau cải canh và xuống giống đồng loạt, năm nay gia đình trồng thêm dưa leo, rau ngót, hành, tỏi, bí, su hào, bắp cải và sản xuất luân phiên. Hy vọng, cách làm này có thể tránh giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp tiêu thụ không thuận lợi...

Nói về sản xuất rau màu trên địa bàn, Bí thư Đảng ủy xã Minh Châu Nguyễn Bá Hòa thông tin: Rút kinh nghiệm từ số rau bị ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh thời gian qua, hiện bà con đã trồng đa dạng các loại rau; mỗi ngày nông dân xã Minh Châu bán ra thị trường hơn 10 tấn rau, củ, quả...

Còn ông Nguyễn Văn Khảm, chủ hộ trồng rau tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cho biết: Gia đình trồng tới 7 loại rau, củ, quả, việc áp dụng phương thức sản xuất cuốn chiếu, rải vụ, chia nhỏ diện tích, đa dạng cơ cấu cây trồng giúp sản phẩm tiêu thụ dễ dàng hơn, mang lại thu nhập ổn định.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng thông tin: Toàn huyện có hơn 2.000ha rau màu các loại, ngoài diện tích rau ăn lá, rau củ quả, các địa phương đã trồng thêm hơn 600ha ngô, vừa bổ sung cho thị trường, vừa làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, qua đó giảm áp lực thu hoạch rau màu vào cuối vụ…

Tại vựa rau lớn của Hà Nội - xã Văn Đức (huyện Gia Lâm), có hơn 200ha rau màu các loại với nhiều sản phẩm xuất khẩu tới một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khó khăn về nguồn vốn, giao thương xuất khẩu nên điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn hiện hữu. Vì thế, việc đa dạng cây trồng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường nội đô sẽ giúp bà con nông dân tránh được thiệt hại trong sản xuất.

Người dân xã Minh Châu (huyện Ba Vì) chăm sóc rau bắp cải.

Bảo đảm thu nhập và mục tiêu tăng trưởng

Để việc thay đổi phương thức sản xuất hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND xã Lệ Chi (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Cải nêu ý kiến: “Chúng tôi tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng của huyện và ngành Nông nghiệp thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển giao kỹ thuật thâm canh, mở rộng các mô hình canh tác mới; đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi để phục vụ sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản”. Qua trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, đây là đề nghị chung của nhiều xã vùng ngoại thành Hà Nội.

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Mạnh Phương nhận định, ngoài diện tích rau màu chuyên canh tập trung được sản xuất quanh năm, vào vụ đông xuân dịp cuối năm và gối vụ đầu năm, diện tích rau màu các loại của thành phố tăng mạnh - diện tích đất 2 lúa trồng rau màu lên tới hơn 30.000ha. Hà Nội xác định mở rộng diện tích sản xuất tập trung, xây dựng vùng chuyên canh là hướng đi tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên không vì thế mà cứng nhắc, thời điểm tháng 10 và tháng 11 vừa qua, giá rau ăn lá các loại tăng đột biến, Hà Nội khuyến khích nông dân xuống giống các loại rau ngắn ngày để giải quyết vấn đề “nóng” của thị trường; nhưng cũng khuyến cáo các địa phương, hợp tác xã chuẩn bị tốt các loại giống khác như khoai tây, ngô, đậu... để xuống giống, tránh áp lực nguồn cung lớn vào dịp cuối vụ.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản xuất cuối năm là vụ chính giúp tăng thu nhập cho nông dân và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Vì vậy, trong vụ đông xuân 2021-2022, Hà Nội tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích canh tác ở các vùng sản xuất cây vụ đông truyền thống, với nhóm cây có thị trường tiêu thụ ổn định; đồng thời đưa nhiều loại rau màu, củ, quả cũng như kỹ thuật mới vào sản xuất để đa dạng thị trường như: Áp dụng màng phủ đối với rau ăn lá, trồng rau thủy canh, rau mầm... công nghệ cao.

Về định hướng sản xuất vụ rau màu cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Lam nhận định: Đích đến là sản phẩm nông dân làm ra tiêu thụ được hết và có lãi. Mọi năm trồng rau màu đông xuân, nông dân chi phí thấp, nhưng năm nay giá giống, vật tư, nhân công đều tăng cao, thời tiết diễn biến khó lường, nếu để xảy ra tình trạng nguồn cung dư thừa thì thiệt hại cho nông dân rất lớn. Do vậy, cách triển khai linh hoạt theo hướng đa dạng cây rau màu, trồng lệch vụ, rải vụ... của Hà Nội là đúng, cần được nhân rộng.

Hà Nội có hơn 13.500ha rau màu các loại và đã hình thành các vùng rau ăn lá, rau củ, quả..., trong đó có tới gần 50% là rau màu chuyên canh, quy mô từ 20ha trở lên, chưa kể diện tích rau màu trên đất 2 lúa vụ đông xuân lên tới hơn 30.000ha...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất rau màu tại Hà Nội: Linh hoạt các giải pháp thích ứng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.