(HNMO) - “Nhà nước quyết tâm và có những giải pháp ủng hộ nhưng không bao cấp cho ngành mía đường mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường diễn ra mới đây.
Đối với ngành công nghiệp mía đường, cây mía - nguồn nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng. Từ cây mía có thể sản xuất ra nhiều loại sản phẩm giá trị như: Đường, cồn, mật rỉ,… là nguyên liệu quan trọng của nhiều ngành sản xuất công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng. Mía cũng là “đầu vào” cho ngành sản xuất điện sinh khối.
Theo một thống kê, có thời điểm, riêng Nhà máy Điện bã mía Bourbon Tây Ninh đã cung cấp tới 46% lượng điện tiêu thụ của tỉnh này vào mùa khô. Và, nếu tận dụng hết bã mía từ các nhà máy đường trong cả nước, có thể tạo ra lượng điện tương đương với một nửa công suất của Nhà máy Điện hạt nhân mà Việt Nam có kế hoạch xây dựng ở Ninh Thuận…
Nói như vậy để thấy vai trò, vị thế quan trọng của ngành mía đường. Tuy nhiên, thực tế đang khắc họa một bức tranh không có nhiều màu sáng của ngành này.
Niên vụ 2018-2019 với người trồng mía tiếp tục là một năm thất bát và cũng là năm thứ ba ngành mía đường đối mặt với sự suy giảm. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích trồng mía nhiều nơi giảm 20%-30%, trong khi lượng đường tồn kho lên tới con số kỷ lục - hơn 600.000 tấn.
Đáng nói hơn, cùng với việc triển khai hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới, từ năm 2020 này, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) được thực hiện với việc xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu thì các sản phẩm đường của Thái Lan cũng như nhiều quốc gia khác tràn ngập thị trường nội địa là điều khó tránh.
Cụm từ “giải cứu ngành mía đường” đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng để “giải cứu” thì trước hết cần nhìn thẳng vào những yếu kém nội tại, nhận định đúng năng lực của ngành mía đường nước nhà cũng như đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Tệ nạn nhập lậu và gian lận thương mại được nhắc tới nhiều nhất khi nói về những tổn thất của ngành mía đường. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, “tốc độ” đường nhập lậu vào Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể tính theo cấp số nhân (ước khoảng 800.000 tấn mỗi năm). Hệ lụy của việc này là 1/3 nhà máy đường của nước ta phải đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bị bỏ hoang, nông dân “trắng tay”.
Cùng với đó là hàng loạt vấn đề nội tại như: Sản xuất mía nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu do yếu kém trong công tác quy hoạch. Quy mô, trình độ chế biến, khả năng tổ chức sản xuất, năng lực quản trị của các nhà máy đường còn nhiều hạn chế, bất cập. Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý... Một điều không thể không nói, gốc của ngành đường là cây mía và yếu tố ảnh hưởng nhất đến năng suất mía là cây giống, vấn đề này Việt Nam còn rất yếu...
Như vậy, để ngành công nghiệp mía đường trụ vững trong thị trường cạnh tranh của thời hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải giải nhiều bài toán, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, nguồn giống, đầu tư khoa học công nghệ đến quản lý thị trường…
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: Nếu chúng ta có nhu cầu đường lớn mà phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường đường nước ngoài thì đó là một sai lầm. Do đó, phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để phát triển ngành mía đường một cách phù hợp với điều kiện hội nhập…
Nhìn vào xu thế phát triển, có thể nhận định, cơ hội của ngành mía đường vẫn còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, ván ép, phân bón, ethanol từ bã mía… Bởi vậy, Việt Nam cần có một số nhà máy then chốt, năng suất cao, vùng mía tập trung ở một số khu vực.
Trong số những giải pháp được đề cập, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, sản xuất phải gắn kết với nhu cầu thị trường, Thủ tướng yêu cầu: Các công ty, nhà máy đường hiện có phải tổ chức sắp xếp lại, cương quyết dẹp bỏ những nhà máy năng suất thấp, công nghệ lạc hậu...
Để hiện thực hóa chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời chủ động trong “sân chơi” thương mại với các quốc gia có tiềm lực về mía đường như Thái Lan, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, trước hết cần tạo dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh. Trong trường hợp có sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu dẫn đến thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà quản lý cần xem xét, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế để bảo đảm cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước.
Mặt khác, phải sớm xác định vị trí của người sản xuất trong chuỗi giá trị ngành hàng, từ đó đưa ra những giải pháp căn bản, đặc biệt là kéo dài chuỗi giá trị ngành mía đường và tận dụng tốt chuỗi giá trị này. Bởi lẽ, ngoài sản phẩm đường, ngành hàng này còn nhiều sản phẩm phụ rất có tiềm năng…
Định hướng phát triển và giải pháp ổn định thị trường đều đã rõ. Và, thông điệp Chính phủ đưa ra với các doanh nghiệp mía đường nói riêng và doanh nghiệp hoạt động trong ngành Nông nghiệp nói chung là: Sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp không thể tư duy theo lối cũ - trông vào “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước mà phải quyết liệt vận động để tồn tại và khẳng định vị thế trong một thị trường đang ngày càng rộng mở của thời đại hội nhập kinh tế quốc tế...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.