(HNM) - Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ nhằm đẩy mạnh việc chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Vì lợi ích cộng đồng
Tại buổi giao lưu, 6 vị khách mời đại diện lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, cơ quan chức năng quản lý và người tiêu dùng đã chia sẻ kinh nghiệm và mong muốn làm ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, vì sức khỏe cộng đồng. Luôn quan tâm đến sức khỏe cộng đồng nên trong quá trình chăn nuôi gia súc, ông Nguyễn Văn Thanh (hội viên Hội Nông dân xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình để bảo đảm có sản phẩm sạch, chất lượng. Từ năm 2006, ông thành lập Hợp tác xã Công nghiệp dịch vụ tổng hợp Hà Mỹ chăn nuôi lợn siêu nạc để phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 2012, doanh thu của hợp tác xã đã đạt hơn 93,8 tỷ đồng, thu lãi gần 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 46 lao động, giúp đỡ 6 hộ thoát nghèo... Chia sẻ kinh nghiệm thành công, ông Thanh cho biết, 20 ngày trước khi xuất bán lợn ra thị trường, ông tuyệt đối ngừng tiêm kháng sinh và trong suốt quá trình chăn nuôi thực hiện đúng quy trình, không sử dụng chất tạo nạc và các loại chất cấm khác.
Nhãn chín muộn tại huyện Hoài Đức đã trở thành một thương hiệu đặc sản của Hà Nội.Ảnh: Thái Hiền |
Thành công với mô hình "Nhãn chín muộn", ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức cũng luôn tâm niệm: "Người nông dân phải sản xuất sản phẩm an toàn, mang lại sản phẩm sạch cho mình và cho cộng đồng". Trang trại do ông làm chủ hiện nay chuyên sản xuất và tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chiết ghép giống nhãn chín muộn cho năng suất và giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Trang trại của ông được nhiều đơn vị trong và ngoài nước đến tham quan, học tập. Hiện, ông Ích đang hoàn thiện quy trình để xuất khẩu nhãn chín muộn sang Mỹ nên càng phải tuân thủ tưới bằng nguồn nước sạch, bón phân hữu cơ hoặc vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được cho phép...
Không chỉ trực tiếp chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, nông dân TP Hà Nội còn tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Tiêu biểu như bà Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn đã tuyên truyền, vận động nông dân tham gia hưởng ứng mô hình quản lý diện tích sản xuất rau hữu cơ thông qua liên nhóm. Qua đó, các mô hình ngày càng thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia. Tiêu biểu như mô hình bưởi Diễn năm 2014 có 17 hội viên tham gia, đến năm nay tăng lên 26 hộ, thu nhập 250 - 450 triệu đồng/ha/năm. Mô hình rau hữu cơ có 120 hội viên tham gia (năm 2014) đã tăng lên 157 hội viên (năm 2015) với 18 nhóm sản xuất, tổng sản lượng đạt 504 tấn/năm... Bà Hậu cho biết: Để quản lý tốt mô hình này, Hội thường xuyên thanh tra định kỳ, đột xuất và xử lý các đơn vị vi phạm. Do đó, đến nay, các hộ nông dân nhận thức đúng đắn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Đồng hành với doanh nghiệp và nông dân
Bày tỏ sự vui mừng khi tham gia chương trình, ông Trần Trung Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại quốc tế VICTORY ASIAN (Thương hiệu MR.Sạch) nhấn mạnh: "Có sức khỏe là có tất cả". Tuy nhiên, ông Chính cho rằng: Điều quan trọng nhất để phát triển thực phẩm sạch là các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường. Trong đó, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành thì các cơ quan truyền thông cần đồng hành với doanh nghiệp và nông dân để cùng cam kết thực hiện chính xác mọi khâu của các quy trình, nhất là khi chúng ta đã gia nhập TPP.
Ngoài ra, các khách mời tham gia chương trình đánh giá, việc phát động Cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn cao" là cơ hội tốt để người nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm để sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải an toàn và còn đầy đủ dinh dưỡng.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết: Trong 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn cao giai đoạn 2010-2015", hội viên nông dân đã từng bước nâng cao nhận thức, hiểu rõ tác hại của các sản phẩm nông nghiệp không an toàn, nâng cao trách nhiệm của mình về ATVSTP trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Đến nay, đã có 480/480 xã, phường, thị trấn với trên 530.000 hội viên nông dân đăng ký thực hiện cuộc vận động. Các cấp hội và hội viên cần tích cực phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức và vận động nông dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt an toàn; tiêm phòng dịch đầy đủ; không sử dụng hóa chất mất ATVSTP; không giết mổ, không bán gia súc, gia cầm bị bệnh dịch... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.