Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội: Tạo dựng nền nông sản sạch

Ngọc Quỳnh| 26/11/2016 08:00

(HNM) - Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là mục tiêu mà Ngành Nông nghiệp Hà Nội hướng tới nhằm tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này thì hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định phải hoàn thiện và đồng bộ, cũng như thói quen sản xuất truyền thống của người dân phải sớm thay đổi, khắc phục tình trạng sản xuất ở dạng nhỏ lẻ, manh mún và phát triển chậm.

Sản xuất rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Sơn Tùng


Mới dừng ở mô hình

Được sự tài trợ của dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ VNFU-ADDA (Đan Mạch), năm 2008, TP Hà Nội bắt đầu triển khai sản xuất rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân (Sóc Sơn). Sau 4 năm triển khai, xã Thanh Xuân tổ chức được 10 nhóm nông dân trồng rau hữu cơ trên diện tích 13ha. Kết thúc dự án, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với Hội Nông dân xã tiếp tục triển khai các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất rau hữu cơ trên cơ sở mở rộng nhóm.

Đến nay, xã Thanh Xuân đã hình thành 26 nhóm với diện tích rau hữu cơ đạt 34ha. Ngoài sản xuất rau hữu cơ theo nhóm nông dân, một số doanh nghiệp sản xuất rau hữu cơ tham gia dự án như Công ty Việt Liên phát triển 3ha trồng rau hữu cơ trên địa bàn quận Long Biên; Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc mở rộng trồng 10ha ở huyện Thạch Thất. Tại các huyện Sóc Sơn, Thường Tín... bước đầu đã định hình triển khai thực hiện một số mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ.

Theo đánh giá, phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội vẫn manh mún, nhỏ lẻ, mới dừng ở dạng mô hình. Tiến sĩ Ngô Kiều Liên - đại diện nhóm liên kết các nhà sản xuất hữu cơ ở huyện Ba Vì cho biết, TP Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ, nhưng do thiếu chính sách về phát triển nền nông nghiệp hữu cơ dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện. Mặt khác, người tiêu dùng chưa được trang bị kiến thức, công cụ thuận tiện phân biệt thực phẩm bẩn và sạch như: Kít thử nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat… nên chưa có sự ủng hộ lớn đối với sản phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, việc thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ gặp khó khăn, việc sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng biện pháp thủ công hoặc thuốc thảo mộc, sinh học tốn kém nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng. Tại các vùng sản xuất hữu cơ thuộc các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng... vẫn chưa được quy hoạch cụ thể địa điểm để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu lâm sản thuộc Tổng công ty Rau quả Việt Nam Bùi Vũ Anh cho biết, hộ sản xuất hữu cơ đang thiếu kiến thức về sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sinh học, chế biến, cách tiếp cận thị trường, quy trình quản lý trong nông hộ... Năm 2001, Công ty Xuất nhập khẩu lâm sản triển khai dự án trồng măng sạch hữu cơ 1.000ha ở Ba Vì nhưng kinh phí đầu tư khá lớn, chi phí cho 1ha sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ tốn kém 42,5 triệu đồng, trong khi đó doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nên đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai.

Tháo gỡ khó khăn

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế phát triển bền vững mà Hà Nội nói riêng và cả nước đang hướng tới. Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, các bộ, ngành đã ban hành văn bản quy định, hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định chung về kiểm tra, giám sát sản xuất, chứng nhận, nhãn hàng hóa hữu cơ... với sản phẩm có nhãn hàng hóa truy xuất nguồn gốc; thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận, giám sát cho sản phẩm hữu cơ. Theo đó, TP Hà Nội quy hoạch diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển sản xuất hữu cơ...

Trao đổi hướng tháo gỡ khó khăn nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng, các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về ATTP, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, dựa vào lợi thế của mỗi địa phương, chọn cây trồng, vật nuôi phát triển cho phù hợp, đối với trồng trọt nên ưu tiên lựa chọn một số loại nông sản như: Rau ăn lá, gia vị, thảo dược, chè xanh hữu cơ, cây thuốc nam, một số loại cây ăn quả bản địa...

Trong lĩnh vực chăn nuôi ưu tiên phát triển nuôi đàn bò sữa, bò hướng thịt (BBB), lợn và gà đồi; xây dựng vùng sản xuất cá chuyên canh tập trung theo chuỗi tại các xã Cổ Đô, Vạn Thắng (Ba Vì), hồ Suối Hai nuôi cá lồng dọc sông Đà, sông Hồng với quy mô 450ha… Mục đích định hướng để người dân sản xuất ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh ATTP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Hà Nội: Tạo dựng nền nông sản sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.