(HNM) - Hiện nay, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ta đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, trong đó sản xuất con giống kém chất lượng ở mức báo động. Sản xuất manh mún và nhỏ lẻ, con giống chưa được kiểm soát nên sản xuất ra những sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc sản xuất con giống thủy sản đang gặp nhiều khó khăn, cần sớm được quy hoạch và đầu tư công nghệ. Ảnh: Huy Hùng |
Chất lượng con giống thấp
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay cả nước có trên 1.106 cơ sở cá nước ngọt, sản xuất được 14,078 tỷ con giống các loại, trong đó có 172 cơ sở sản xuất cá tra bột và 5.775 hộ ương giống với diện tích 2.549ha, sản xuất được 1.896 triệu con, trong khi nhu cầu giống thả nuôi của cả nước phải cần từ 1,6 đến 1,8 tỷ con. Đối với giống thủy sản nước mặn và nước lợ, sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng có 316 cơ sở, sản xuất được 13.957 triệu con, nhưng đến 80% các cơ sở là do các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Huy Điền chia sẻ, chất lượng con giống thấp, thiếu quy hoạch chi tiết nên việc sản xuất giống chủ yếu mang tính tự phát, thiếu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý và thiếu các quy định về tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, tỷ lệ sống của cá bột (loại cá từ một ngày tuổi đến dưới một tuần tuổi) lên cá hương (loại cá từ một tuần tuổi đến dưới một tháng tuổi) chỉ đạt 20-30%; từ cá hương lên cá giống chỉ đạt 15-20%; cá nuôi thịt hao hụt khoảng 25-30%.
Chất lượng giống thủy sản Hà Nội cũng không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước. Hiện nay, tại các huyện ngoại thành Hà Nội có 18 cơ sở sản xuất giống tôm, cá các loại. Mỗi năm các trại giống này cung cấp khoảng 350 triệu cá giống các loại ra thị trường. Trong 18 cơ sở giống chỉ có một cơ sở giống cấp I của thành phố, còn lại là các cơ sở giống tư nhân. Do phần lớn các trại giống phát triển tự phát, quy mô nhỏ lẻ nên chất lượng con giống không bảo đảm. Nhiều cơ sở sản xuất giống chưa thực hiện đúng theo quy trình sản xuất giống sạch. Việc nhập con giống có nguồn gốc, ghi chép hồ sơ nuôi chưa được thực hiện nên chưa kiểm soát được chất lượng. Do đó, người nuôi mua con giống về thả tỷ lệ sống đạt thấp, gây thiệt hại lớn.
Quy hoạch và đầu tư công nghệ
Hiện, Bộ NN&PTNT đang xây dựng quy hoạch các khu sản xuất giống tập trung quy mô 50-150ha, đầu tư nâng cấp 2 khu sản xuất ở An Hải (Ninh Thuận) và Ninh Vân (Khánh Hòa). Tiếp tục đầu tư xây dựng 4 khu sản xuất cá giống ở Thăng Bình (Quảng Nam), Hiệp Thành (Bạc Liêu), Tân Ân (Cà Mau), Phú Quốc (Kiên Giang). Đầu tư xây mới 3 khu sản xuất tại huyện Chí Công (Bình Thuận), Đông Hải (Bạc Liêu), Xuân Hải (Phú Yên). Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung phát triển xây dựng khu sản xuất giống tập trung quy mô 10-40ha tại những địa phương có điều kiện sản xuất giống tôm, các loài nhuyễn thể để đưa các trại giống vào quản lý, bảo đảm điều kiện sản xuất giống chất lượng tốt ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, con giống đóng vai trò quan trọng, quyết định đến 80% chất lượng thủy sản. Trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của ngành NTTS cần phải chấn chỉnh hoạt động con giống theo hướng hiệu quả và bền vững cho người nuôi. Các đơn vị của ngành nông nghiệp phải tăng cường nghiên cứu khoa học, trước hết tập trung vào khâu sản xuất giống để nhân tạo các giống nuôi chủ lực, tiến tới nhân tạo một số giống đặc sản. Nhập công nghệ sản xuất giống mới, hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam xây dựng các mô hình NTTS, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất con giống. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống trong nước, cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi theo đúng kỹ thuật; sản xuất con giống phải có nguồn gốc xuất xứ. Nếu phát hiện những cơ sở nào không bảo đảm chất lượng, nhắc nhở nhiều lần chưa khắc phục cần phải có biện pháp mạnh như rút giấy phép sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.