Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân thơ quốc tế - tôn vinh thơ dịch

Tuyết Minh| 26/02/2010 15:51

Sáng 26/2, tại Trung tâm khoa học Văn hóa Nga (501, Kim Mã, Hà Nội) đã khai mạc Sân thơ quốc tế với chủ đề “Hà Nội với bạn bè gần xa”. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài như: Mỹ, Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Rumani, Hy Lạp.

(HNMO)- Sáng 26/2, tại Trung tâm khoa học Văn hóa Nga (501, Kim Mã, Hà Nội) đã khai mạc Sân thơ quốc tế với chủ đề “Hà Nội với bạn bè gần xa”. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài như: Mỹ, Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Rumani, Hy Lạp.


Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam (giữa) tại lễ khai mạc Sân thơ quốc tế.


Chương trình giới thiệu 18 tác phẩm thơ dịch của những nhà thơ lớn của nước ngoài, và các sáng tác về Việt Nam và Hà Nội của một số bạn bè quốc tế đang sống và làm việc tại Hà Nội như: bài Những ghi chép dưới mái hiên Hà Nội của J.Fosenbell (Mỹ) do nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai dịch; bài Phố Thu sáng tác của nhà thơ Trần Quang Quý do J.Fosenbell dịch; bài Nhẹ nhàng chào buổi sáng Hà Nội của Mary Croy (Mỹ) do nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai dịch;bài “Gửi” của nhà thơ nổi tiếng nước Nga - A. Pushkin được dịch giả Elena Vladimirovna Skyaeva (Nga) và dịch giả Hòang Thúy Toàn (Việt Nam) dịch ra tiếng Việt; bài Thơ viết ở biển và Tạm biệt Sầm Sơn của nhà thơ Phó Thiên Phóng (Trung Quốc) do nhà thơ Hữu Thỉnh dịch; bài Arirang – Koun (Hàn Quốc) do dịch giả Onayen (Hàn Quốc) và Lê Đăng Hoan (Việt Nam) dịch…

Theo phát biểu của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, thì đây là lần đầu tiên kể từ 7 năm trước, Ngày Thơ Việt Nam đã tổ chức một sân chơi dành riêng cho thơ dịch, và nó mang ý nghĩa tôn vinh thơ dịch và tinh thần hữu nghị với bạn bè quốc tế gần xa.


Nhà thơ J.Fosenbell (Mỹ) và dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai 

Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII được đánh giá sẽ là một “đại lễ hội thơ ca” với công tác tổ chức rất công phu, và tiến hành ở hầu hết các tỉnh trên toàn quốc, từ Quãng Ngãi, Hải Phòng, Phú Thọ, Sơn La, Vĩnh Phúc, Việt Bắc, Thái Nguyên... Nhưng riêng ba điểm nhấn lễ hội thơ ca trong cả nước sẽ là TP Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội, với các hoạt động diễn ra trong suốt ba ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân thơ quốc tế - tôn vinh thơ dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.