(HNM) - 2012 là năm có nhiều dấu ấn đậm nét trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô. Với kinh nghiệm và sự chuẩn bị chủ động từ năm 2012, TP Hà Nội đã sẵn sàng đối diện với những thử thách mới trong năm 2013.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2012, TP Hà Nội đã khánh thành cầu vượt nút giao Nam Hồng trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài như thể khép lại một năm đầy ấn tượng trong việc đối phó với nạn ùn tắc giao thông (UTGT). Đây là cây cầu vượt lắp ghép thứ 5 được hoàn thành trong năm 2012. Vui càng thêm vui khi những con số thống kê cho thấy, năm 2012, tai nạn giao thông trên địa bàn TP cũng giảm được 250 vụ (24,3%), giảm 130 người chết và 46 người bị thương so với năm trước.
Từ lâu, UTGT là một trong những thách thức lớn nhất đối với quá trình xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội. TP đã kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào khâu đột phá là đầu tư hạ tầng giao thông. Mặc dù khó khăn về nguồn vốn, nhưng năm 2012, TP đã dành ưu tiên rất lớn cho hạ tầng giao thông. Trong đó, coi là biện pháp cấp bách, TP đã tập trung nhân vật lực, bám sát công trường để xây dựng 5 cầu vượt nhằm giải tỏa các nút giao thông trọng điểm Láng Hạ - Thái Hà, Chùa Bộc - Tây Sơn, Lê Văn Lương - đường Láng, Nguyễn Chí Thanh - đường Láng và nút giao Nam Hồng. Kết quả là hầu hết các công trình này đều vượt tiến độ. Ngay như cầu vượt nút giao Nam Hồng vừa khánh thành, trước đây dự kiến phải đến trước Tết Nguyên đán mới xong, nhưng với nỗ lực rất lớn của các đơn vị thi công, công trình đã về đích ngay trước thềm năm mới dương lịch. Có thể coi việc xây dựng 5 cây cầu vượt nhẹ là điểm sáng về thành tựu giải quyết vấn nạn UTGT mà Hà Nội đạt được trong năm 2012. Giải pháp cầu vượt lắp ghép của Hà Nội đã được TP Hồ Chí Minh học tập triển khai.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TNHH TS Việt
Cũng với tâm thế và quyết tâm như vậy, TP đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách không nhỏ khác để đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực; hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà TƯ giao, nhất là duy trì ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể, TP đạt tăng trưởng kinh tế 8,1%, thu ngân sách đạt gần 139.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển tăng 13,2%, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức một con số, giảm 23.000 hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hơn 135.000 lượt người. Hà Nội đã triển khai xây dựng thêm 22 trường công lập, trong đó 8 điểm trường tại 6 phường chưa có trường mầm non công lập.
2012 là năm thứ hai tập trung triển khai quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP đã triển khai 74/81 quy hoạch và quy chế quản lý trong 3 năm 2011-2013; trong đó 14 quy hoạch chuyên ngành đã được HĐND TP thông qua. 401/401 xã cũng đã triển khai lập quy hoạch nông thôn mới, 346 xã đã được phê duyệt. Đây là một trong nhiều chuyển biến sôi nổi về diện mạo và đời sống người dân đang diễn ra ở khu vực ngoại thành. Đây cũng là năm TP tăng cường niềm tin trong nhân dân khi kiên quyết lập lại trật tự đô thị, nhất là trật tự xây dựng và quản lý đất đai, thông qua việc tập trung chỉ đạo xử lý hai đợt cao điểm được 499 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, kỷ luật 139 cán bộ liên quan; thu hồi 807ha đất đối với 7 tổ chức, đơn vị; đang xem xét thu hồi với 23 chủ đầu tư khác để hoang hóa 49ha đất…
Năm 2012, mức tăng trưởng 8,1% của Hà Nội dù chưa đạt được như kế hoạch, nhưng vẫn duy trì được mức cao hơn cả nước từ 1,5 lần trở lên như mọi năm (GDP cả nước tăng 5,03%). Đây là cơ sở để TP bước vào năm 2013 với sự tự tin nhất định cho dù dự báo những khó khăn có thể sẽ còn gay gắt hơn. Năm 2013, TP đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8,0-8,5%, là mức tăng cao hơn mục tiêu tăng trưởng cả nước trên 1,5 năm lần (QH quyết chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2013 là 5,5%). Mục tiêu chung là các chỉ số tăng trưởng kinh tế - xã hội đều không thấp hơn mức tăng năm 2012. TP quyết tâm tạo bước đột phá trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội vẫn là ưu tiên hàng đầu của TP.
Năm 2013, Hà Nội có thêm thuận lợi là Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1-7. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô, đồng thời cũng là thử thách đối với Đảng bộ, chính quyền TP trước yêu cầu làm sao để luật đi vào cuộc sống, tạo xung lực mới cho phát triển. Nói như Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, những mong muốn mà lâu nay mọi người yêu cầu Thủ đô giờ có lẽ còn lớn hơn nữa, nên luật ra đời mang lại những thuận lợi tốt hơn nhưng cũng đặt ra trách nhiệm nặng hơn. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo TP đã quyết tâm phải đón nhận Luật Thủ đô với tinh thần trách nhiệm cao nhất. TP cũng đã xác định năm 2013 là "năm kỷ cương hành chính" tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Những ngày cuối năm 2012, UBND TP Hà Nội cũng đã thông qua chương trình công tác năm 2013 với 425 đầu việc. TP yêu cầu các sở, ngành tổ chức triển khai thực hiện chương trình công tác ngay từ những ngày đầu năm; tăng cường chất lượng tham mưu, đề xuất, xây dựng các báo cáo, tờ trình, đề án có tính khả thi cao; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì đề án, dự án, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp...
Hà Nội đang đứng trước những thử thách mới của năm 2013, nhưng với kinh nghiệm vượt khó của năm 2012, cùng quyết tâm và sự chuẩn bị chủ động của Đảng bộ và chính quyền TP, chúng ta có niềm tin về những kết quả tích cực sẽ đến với Thủ đô Hà Nội trong năm mới này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.