Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng cho giờ “G”

Minh Thúy| 31/01/2012 07:04

(HNM) - Thời điểm điều chỉnh giờ làm việc, học tập và giờ kinh doanh, thương mại đã cận kề (bắt đầu từ 1-2-2012), phần lớn người dân cũng như các ban, ngành của thành phố Hà Nội đã sẵn sàng thực hiện.

Cùng với việc thực thi nhiều giải pháp đồng bộ khác, việc đổi giờ học, giờ làm đang được kỳ vọng sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực cho việc giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. Báo Hànộimới đã nhận được khá nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương này…

Bà Hà Thị Kim Tuyến (Trang tin điện tử Thể dục - Thể thao Việt Nam Bộ VH-TT-DL):
Cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ

Quyết định đổi giờ học, giờ làm việc và giờ kinh doanh thương mại có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư, thay đổi thói quen sinh hoạt của nhiều gia đình, song đây là điều cần thiết để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, nhất là vào các khung giờ cao điểm. Đây là phương án đã được cân nhắc kỹ, đã được Chính phủ cũng như thành phố lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ mọi tầng lớp nhân dân, song để đạt được hiệu quả thực sự, lâu dài, UBND thành phố Hà Nội cần có sự chỉ đạo quyết liệt trong việc giải tỏa các bãi trông, giữ xe chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, các điểm chợ "cóc", chợ tạm, đồng thời lập lại trật tự quản lý đô thị. Nếu lòng đường vẫn là nơi đỗ xe, vỉa hè là nơi kinh doanh thì phương án điều chỉnh giờ dù có thay đổi đến đâu cũng sẽ khó mà phát huy được hiệu quả.

Sinh viên Lâm Huyền Thu (Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội):
Hệ thống xe buýt cần được cải thiện

Tôi là người thường xuyên đi học bằng xe buýt. Những điểm đỗ xe buýt gần các trường: Đại học Quốc gia, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Công nghiệp, rồi bến xe Hà Đông (cũ)… là nỗi "kinh hoàng" của tôi và nhiều bạn sinh viên khác, bởi sự chen lấn, nhồi nhét trên xe buýt trong các giờ cao điểm. Quyết định điều chỉnh giờ học tuy có ảnh hưởng đến hàng vạn sinh viên, nhưng tôi cho rằng để ủng hộ chủ trương giảm ùn tắc giao thông trong nội đô, hầu hết sinh viên đều sẵn sàng ủng hộ. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi mong muốn là, cùng với việc đổi giờ học, giờ làm thì hệ thống xe buýt phải được cải thiện so với hiện nay. Được biết, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã có kế hoạch tăng cường thêm xe cũng như tần suất lưu thông của xe buýt, song tôi vẫn băn khoăn một điều rằng, liệu những chiếc xe buýt "cồng kềnh" có làm tắc đường thêm?

Bà Hoàng Thị Hoa (chủ hộ kinh doanh, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng):
Nâng cao ý thức tham gia giao thông

Chúng ta đang phải hứng chịu tình trạng giao thông hỗn loạn, mà theo tôi đó là hậu quả của sự thiếu ý thức, không chấp hành đúng quy định pháp luật của người tham gia giao thông trong suốt một thời gian khá dài. Người tham gia giao thông gặp ùn tắc thường đổ lỗi cho cơ sở hạ tầng yếu kém, cho quy hoạch, cho công tác quản lý… điều đó không sai, nhưng còn thiếu khi không thừa nhận rằng ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao. Theo tôi, các cơ quan cần tăng cường công tác tuyên truyền những quy định pháp luật về giao thông cho chính những thành viên của đơn vị mình, hãy có những việc làm thiết thực để hưởng ứng, nói phải đi đôi với làm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm những người vi phạm… Đây không phải là giải pháp có tính quyết định, song tôi tin rằng, đó là biện pháp hỗ trợ quan trọng cho việc góp phần làm nên sự thay đổi từ chương trình điều chỉnh giờ làm việc, học tập trên địa bàn thành phố.

Ông Vũ Xuân Đậu (cán bộ hưu trí phường Trung Liệt, quận Đống Đa):
Tăng cường tính dự báo

Việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh thương mại tập trung chủ yếu vào 3 nhóm đối tượng chính: sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường trung học phổ thông; các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng… và nhóm công chức, viên chức, học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Theo đó, các nhóm đối tượng này ít nhiều sẽ có sự xáo trộn nhất định, cần sự đồng thuận cũng như việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của 3 nhóm đối tượng nêu trên. Để mọi việc được diễn ra suôn sẻ, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, Bộ Giao thông - Vận tải và Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cần theo dõi sát sao, nắm bắt tình hình trong quá trình thực hiện, từ đó có thể đưa ra những dự báo, thay đổi cho phù hợp với thực tế… Có như vậy, chương trình điều chỉnh giờ học, giờ làm… mới mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng cho giờ “G”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.