Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm đặc biệt phải có biện pháp kiểm soát đặc biệt

Hoàng Thu Vân| 30/10/2013 05:39

(HNM) - Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (BV-KDTV) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua tháng 7-2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2002 thay thế Pháp lệnh BV-KDTV năm 1993.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành; Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định về quy chế, cơ chế, chính sách trong phòng chống sinh vật gây hại thực vật. Sau 10 năm thi hành, pháp lệnh và các văn bản pháp luật về BV-KDTV đã góp phần quan trọng, tạo cơ sở pháp lý trong việc phòng trừ sâu bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; góp phần ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, Pháp lệnh BV-KDTV năm 2001 hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời chưa xác lập những quy định pháp luật với tầm nhìn chiến lược cho một giai đoạn phát triển mới.

Vì vậy, dự thảo Luật BV-KDTV được Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ năm, khóa XIII và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp đang diễn ra có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đặc biệt, với sự góp ý của các đại biểu QH, dự thảo lần này đã tập trung làm rõ một số nội dung như việc thu gom xử lý thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước trong BV-KDTV về kinh phí phòng chống dịch…

Với trên 1.600 loại thuốc sử dụng trong nông nghiệp (danh mục năm 2013) cùng hơn 3.000 loại thuốc trừ mối, bảo quản nông sản, khử trùng… có thể thấy siết chặt việc quản lý lĩnh vực này là không đơn giản. Tuy nhiên, dù khó nhưng không thể không thực hiện bởi trong những loại thuốc chính thống nêu trên, có không ít hoạt chất độc hại cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ để tránh gây hậu quả xấu cho sức khỏe con người và môi trường. Cụ thể là từ khâu sản xuất, kinh doanh những loại "sản phẩm" đặc biệt này cho tới quản lý thị trường, phải tránh tình trạng hàng lậu, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc được "nhập khẩu" tràn lan theo đường tiểu ngạch, và cuối cùng là quy trình sử dụng "sản phẩm" của người nông dân sao cho an toàn, hiệu quả… Mỗi một khâu đều rất quan trọng và trực tiếp tác động tới môi trường và sức khỏe con người. Tới giờ này, vụ "đầu độc" môi trường của Công ty CP Nicotex Thanh Thái tại Thanh Hóa vẫn còn nóng hổi. Hay chuyện sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản thực vật… luôn là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Vậy nên, để Luật BV-KDTV khi ban hành thực sự đi vào đời sống, rất cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan được giao chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc", khi xảy ra sự cố, không có cá nhân, cơ quan nào chịu ràng buộc trách nhiệm. Cùng với đó, những hành vi vi phạm cần có chế tài xử lý đủ sức nặng trong việc răn đe, tránh tình trạng "nhờn" luật, vì lợi nhuận sẵn sàng bất chấp dư luận, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, trực tiếp gây nguy hại sức khỏe của người dân. Cần xác định, đó là những tội ác nghiêm trọng trong một xã hội văn minh. Và dự thảo Luật BV-KDTV chính là nhằm phòng ngừa và ngăn chặn điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm đặc biệt phải có biện pháp kiểm soát đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.