(HNMCT) - Tương tự nhiều ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, suốt 2 năm qua, lĩnh vực sân khấu biểu diễn trên toàn thế giới gần như bị “đóng băng”. Dù cuộc sống bình thường đang dần trở lại, nhiều sân khấu đã bắt đầu kế hoạch “tái xuất”, tuy nhiên, để khôi phục và phát triển ổn định như trước khi đại dịch bùng phát, các nghệ sĩ phải vượt qua rất nhiều khó khăn.
Với những nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp, 2 năm vừa qua được coi là thời kỳ tăm tối nhất trong sự nghiệp khi các dự án, vở diễn bị hủy bỏ, nguồn thu nhập bị cắt đứt. Không có suất diễn, không có doanh thu, các đơn vị nghệ thuật đã phải đau đầu giải bài toán giữ chân nhân lực. Trong khi đó, không ít nghệ sĩ buộc phải xoay xở làm thêm đủ mọi nghề để mưu sinh.
Theo thống kê của tạp chí Forbes, chỉ riêng trong năm 2020, doanh thu ngành sân khấu biểu diễn toàn cầu chỉ còn 12 tỷ USD so với 42,3 tỷ USD năm 2019. Tại Anh, doanh thu trong lĩnh vực này thiệt hại hàng tỷ USD. Ngay cả những rạp hát đình đám của Andrew Lloyd Webber và Cameron Mackintosh cũng buộc phải đóng cửa, nhiều người mất việc vĩnh viễn, hàng trăm diễn viên và kỹ thuật viên phải “nghỉ ngơi” không mong muốn. Nhiều nhà hát và sân khấu buộc phát lại các vở diễn cũ và bán vé trên nền tảng trực tuyến để phục vụ lượng khán giả thân quen cũng như giảm bớt phần nào thiệt hại.
Charles McNulty, nhà phê bình sân khấu làm việc tại Thời báo Los Angeles (Mỹ) cho biết: “Khoảng gần cuối năm 2020, hầu hết nghệ sĩ biểu diễn rất hoang mang. Không ai biết khi nào các nhà hát sẽ mở cửa trở lại, khi nào các diễn viên có thể tập một cách an toàn, hoặc khi nào khán giả cảm thấy tin tưởng rằng việc xem một buổi diễn sẽ không giết chết họ. Tuy nhiên, thật may mắn, cuối cùng chúng ta đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Sân khấu đã được phép mở cửa đón khán giả. Các nghệ sĩ đang bắt tay chuẩn bị cho nhiều dự án mới. Mọi người đều tỏ ra lạc quan dù khó khăn trước mắt còn nhiều”.
Chia sẻ cảm xúc khi trở lại sân khấu sau một thời gian dài, diễn viên Kade Bailey làm việc cho Nhà hát Phoenix (Anh) cho biết, khoảnh khắc bức màn sân khấu được kéo lên và nốt nhạc đầu tiên vang lên, anh cảm thấy mình như được hồi sinh. “Tôi thấy đây mới là cuộc sống của mình và sẵn sàng cùng đồng nghiệp đương đầu với khó khăn để theo đuổi con đường mình đã chọn” - Bailey khẳng định.
Tuy nhiên, không phải người nào cũng có lựa chọn như Bailey. Vì thời gian đại dịch kéo dài, đội ngũ nhân lực làm trong lĩnh vực này, bao gồm cả nghệ sĩ, đã buộc phải tìm hướng đi mới để bảo đảm cuộc sống. Khi hoạt động biểu diễn được mở lại, nhiều người không quay trở lại do đã quen với công việc mới. Mất đi một bộ phận nhân lực, trong đó có nhiều kỹ thuật viên lâu năm, nhiều nhà hát đang gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng và đào tạo để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, phục vụ các vở diễn sắp tới.
Khó khăn thứ hai, đó là làm thế nào thu hút lượng khán giả như trước khi đại dịch đã làm thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của một bộ phận lớn người dân. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy, ngày càng có nhiều người lựa chọn thưởng thức nghệ thuật qua hình thức trực tuyến bởi sự tiện lợi. Để thay đổi thói quen này, các nhà sản xuất cần tạo ra các tác phẩm thực sự chất lượng.
Tiếp theo, sân khấu biểu diễn cũng phải học cách thích nghi để có thể ứng phó với mọi hoàn cảnh. Thực tế cho thấy, nhiều nhà hát đã chủ động thay đổi hình thức công diễn để có thể vượt qua thời kỳ giãn cách xã hội. Tại Philippines, nhiều vở kịch phát trực tuyến đã nhận được phản hồi tích cực của khán giả. Đáng chú ý, vở nhạc kịch “Ang Huling El Bimbo: The Musical” của Full House Theater Company phát hành trên kênh YouTube đã đạt tới 7 triệu lượt xem.
Theo nhà sản xuất chương trình người Philippines JK Anicoche, dù điều kiện xã hội đã cho phép hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, các đơn vị nghệ thuật vẫn cần xây dựng các nhà hát trực tuyến trên nền tảng công nghệ số và truyền hình nhằm phục vụ đồng thời cả hai đối tượng, khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả tiếp cận qua các kênh truyền thông kỹ thuật số. Đối với hình thức trực tuyến, cần lựa chọn đưa lên nền tảng số những trích đoạn, chương trình, tiết mục... phù hợp tâm lý tiếp nhận của công chúng hiện đại. Đây sẽ là kênh quảng bá hữu hiệu để giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao tới đông đảo người dùng mạng, đồng thời thu hút công chúng thưởng thức tác phẩm. Đối với biểu diễn trực tiếp, cần xây dựng những tác phẩm mới có nội dung thu hút, dàn diễn viên chất lượng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát số lượng khán giả tới xem cũng là một yếu tố đáng chú ý để đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa kết thúc.
Đại dịch Covid-19 buộc ngành sân khấu biểu diễn phải thay đổi. Nhiều chuyên gia sáng tạo nghệ thuật cho rằng, những thay đổi trong giai đoạn hậu Covid-19 sẽ định hình hướng đi của lĩnh vực này trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.