Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu kịch mùa Tết: Trong héo ngoài tươi

Theo Bích Hằng/Zing| 16/01/2016 07:32

Mùa kịch Tết năm nay vẫn sôi động với nhiều vở đang dựng nhưng không thể khỏa lấp nỗi buồn bên trong của người yêu sân khấu.

Tết vốn là mùa làm ăn của sân khấu TP HCM bởi đây là thời gian người dân đi xem kịch nhiều nhất. Các sân khấu chọn ra mắt những vở chất lượng để phục vụ khán giả. Trong 2 tuần từ Mùng Một đến Mười một, các sân khấu liên tục sáng đèn với 2-3 suất/ ngày.

Giảm số lượng nhưng đa dạng kịch mục


Mùa tập kịch Tết thường bắt đầu trước Tết hơn 1 tháng nhưng năm nay lịch tập lùi lại chậm hơn 1 tuần, không khí có phần trầm lắng hơn. Khó thu xếp lịch tập của diễn viên là điều thường gặp vào dịp cuối năm. Bên cạnh đó phải kể đến sự ảnh hưởng trước cơn bão truyền hình thực tế mà sân khấu phải chống chọi suốt năm qua.

Tuy nhiên, dù tình hình khó khăn nhưng món ăn tinh thần dành cho ngày Tết của các sân khấu vẫn không thể xuề xòa. Món ăn trên bàn tiệc tuy có giảm chút ít so với năm ngoái nhưng lại đa dạng hơn về thể loại. Ngoài hai sân khấu Idecaf và Hoàng Thái Thanh vẫn trung thành với thế mạnh của mình thì Hồng Vân và Thế giới trẻ lại có sự gia tăng về kịch mục. Chẳng hạn, sân khấu Hồng Vân năm 2015 có 8 vở diễn Tết nhưng kịch mục chủ yếu là hài và kinh dị thì năm nay giảm xuống còn 5 vở nhưng lại có thêm những vở chính kịch về thân phận con người như Một cha ba mẹ.

Sân khấu Thế giới trẻ - một trong những sân khấu vững vàng trước cuộc khủng hoảng sân khấu vẫn giữ số lượng vở diễn Tết là 3. Bao gồm hài, liêu trai và lần đầu sẽ thử nghiệm dựng nhạc kịch qua vở Trót yêu. Với thế mạnh là dàn diễn viên trẻ, có thể diễn, hát tốt nên sân khấu hi vọng sẽ đem lại bất ngờ cho khán giả.

Hiện tại, sân khấu 5B chưa sửa chữa xong vì vậy diễn viên Cát Tường vẫn tham gia diễn kịch Tết bằng cách đầu tư thực hiện vở nhạc kịch Tấm Cám tại nhà hát Bến Thành.

Kịch Lan và Điệp sẽ ra mắt khán giả tại sân khấu Hoàng Thái Thanh vào dịp Tết. Ảnh: Hoài Như


Khán giả giảm 50% -70%

Sân khấu vốn là thánh đường nghệ thuật, là nơi để các diễn viên thể hiện khả năng diễn xuất nhiều nhất. Sân khấu TP HCM trước đây là niềm mơ ước của sân khấu Hà Nội với số lượng nhiều và khán giả đông nhưng năm gần đây đã không còn giữ được thế thượng phong.

Ngoài sân khấu Idecaf và Thế giới trẻ ổn định với lượng khán giả trung thành, mỗi suất diễn đều kín rạp, các sân khấu khác lay lắt như ngọn đèn dầu trước gió. Dù không khí tập kịch Tết vẫn sôi động, kịch mục vẫn đa dạng và phong phú nhưng không thể nào khỏa lấp được những tâm tư của người làm nghề trong cuộc khủng hoảng lớn. Điều dễ nhận thấy là lượng khán giả đến với sân khấu ngày càng giảm sút. Nghệ sĩ Ái Như cho biết, từ ngày sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển về quận 10, khán giả đã giảm tới 50%. Sân khấu Hồng Vân cũng chịu cảnh tương tự. Với Nụ cười mới, con số giảm thê thảm hơn khi lên tới 70%. Một số sân khấu nhỏ hơn như Chămpa và kịch Sài Gòn chi nhánh Pastuer thì đã đóng cửa.

Từng gầy dựng một sân khấu xã hội hóa lừng lẫy với hàng ngàn suất diễn kín rạp, NSND Hồng Vân phải buồn bã chia sẻ ý định đóng cửa sân khấu vì hiện tại thu không đủ bù chi. Còn nghệ sĩ Ái Như xác định làm sân khấu với tâm thế còn nước còn tát, khi không chịu đựng được thì mới buông tay.

Chia sẻ với phóng viên với giọng ngậm ngùi, nghệ sĩ Long đẹp trai cho biết: “Sân khấu Nụ cười mới phải thay đổi địa điểm liên tục, vị trí không thuận lợi nên càng khó khăn. Hiện tại, tôi phải chạy show ngoài để có tiền trang trải cho hoạt động của sân khấu. Nhiều lúc muốn buông nhưng nghĩ tới lời hứa với anh Hữu Lộc – tôi phải cố gắng. Nếu không, sau này không còn mặt mũi nào gặp lại anh”.

Trường Giang không còn diễn ở sân khấu Nụ cười mới. Ảnh: NVCC


Thiếu diễn viên ngôi sao

Đa số các diễn viên còn gắn bó với sân khấu là vì tình yêu hơn là tìm kiếm tiền bạc. Trong khi các diễn viên lớn tuổi cho biết, họ gắn bó với sân khấu vì đó là nghiệp, là máu nghề, không thể bỏ thì diễn viên trẻ lại coi sân khấu là cơ hội để họ học hỏi diễn xuất – điều mà không trường lớp nào dạy được.

Sân khấu đìu hiu tất nhiên không đủ sức hấp dẫn với diễn viên, trong khi ra ngoài họ có nhiều cơ hội kiếm tiền như phim ảnh, chương trình truyền hình. Buồn đấy nhưng không thể trách được họ vì ai cũng phải lo cơm áo gạo tiền.

Trước đây, sân khấu Hồng Vân từng là bệ đỡ của hàng loạt tên tuổi nổi tiếng như Thái Hòa, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Minh Luân, Hòa Hiệp… tuy vậy, mùa kịch Tết năm nay nhìn quanh chỉ là những nghệ sĩ kỳ cựu: Hồng Vân, Anh Vũ, Minh Nhí, còn lại đa số là nghệ sĩ trẻ.

Sân khấu Nụ cười mới thu hút khán giả với hai danh hài Hoài Linh, Chí Tài nhưng gần đây họ không còn diễn. Mùa kịch Tết, Hoài Linh chỉ tham gia được vài suất nhưng chưa có lịch cụ thể. Những diễn viên trẻ bật lên sau này như Trường Giang, Nam Thư đều vắng bóng trong mùa kịch Tết. Nói đến việc thiếu vắng người nổi tiếng, Long đẹp trai bảo: “Ngày các em còn mới, về với sân khấu chỉ như hạt cát nhưng đã thành hạt sạn thì sạn thạch. Đời bạc lắm. Nghề diễn càng bạc hơn. Tôi không dám trách, chỉ buồn và xót xa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu kịch mùa Tết: Trong héo ngoài tươi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.