(HNMO) - Sau tin vòng đàm phán TPP từ Hawaii (Mỹ) thất bại, cổ phiếu thủy sản, dệt may-nhóm được cho là hưởng lợi khi hiệp định này được ký kết, đã đồng loạt giảm giá, VN-Index hạ hơn 11 điểm.
Đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đàm phán thương mại tự do nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong cuối tuần qua, đàm phán tại Hawaii đã thất bại. Thông tin này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán trong nước.
Hết phiên giao dịch sáng 3/8, VN-Index giảm 11,43 điểm, tương ứng 1,84%, xuống 609,63 điểm; VN30 -Index còn 636,52 điểm, hạ 10,84 điểm (-1,67%).
Lực cung-cầu chênh lệch thể hiện rõ ở số cổ phiếu tăng-giảm giá. Thị trường ghi nhận tới 187 mã đi xuống trong khi chỉ 31 mã đi lên. Đáng chú ý, nhóm VN30, chỉ 2 mã lên giá là CII tăng 400 đồng, MSN ghi 500 đồng/cổ phiếu, 1 mã đứng giá, 27 mã còn lại giảm giá.
Sắc đỏ bao trùm gần hết bảng giao dịch điện từ phiên sáng 3/8 |
Đón nhận thông tin về việc đàm phán TPP không thành công cuối tuần qua, cổ phiếu ngành thủy sàn và may mặc-hai ngành được coi là sẽ hưởng lợi nhiều nếu đàm phán thành công, giảm điểm mạnh: HVG giảm sàn 1.500 đồng/cổ phiếu, IDI giảm sàn 500 đồng/cổ phiếu, TCM giảm kịch sàn 2.800 đồng/cổ phiếu, NAV giảm 300 đồng/cổ phiếu, chỉ ASM giao dịch tích cực khi tăng 400 đồng/cổ phiếu.
Ngoài các cổ phiếu trên, nhiều cổ phiếu ngành chủ chốt khác cũng đi xuống. Tại nhóm chứng khoán, AGR hạ 100 đồng/cổ phiếu, BSI mất 500 đồng/cổphiếu , HCM hạ 900 đồng/cổ phiếu , SSI giảm 800 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm điểm: BID hạ 800 đồng/cổ phiếu, CTG hạ 400 đồng/cổ phiếu, EIB giảm 200 đồng/cổ phiếu, MBB mất 300 đồng/cổ phiếu, STB giảm 200 đồng/cổ phiếu, VCB giảm tới 1.800 đồng/cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng không thoát khỏi xu hướng của thị trường. GAS giảm 500 đồng/cổ phiếu, PTL giảm sàn 100 đồng/cổ phiếu, PVT, PVD, PXL và PXS hạ 200-800 đồng/cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu lớn khác cũng đi xuống như: DPM hạ 1.100 đồng/cổ phiếu, BVH giảm sàn 3.600 đồng/cổ phiếu, HAG hạ 500 đồng/cổ phiếu, FPT giảm 700, SAM mất 300 đồng/cổ phiếu.
Giao dịch ổn định với 75 triệu cổ phiếu và gần 1.500 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Trên sàn Hà Nội, lực bán cũng được nhà đầu tư ào ạt tung ra khiến hầu hết cổ phiếu giảm giá: 28 mã đi lên, 131 đi xuống. Hết phiên sáng, các chỉ số tại đây đều giảm ở biên độ khá rộng: HNX-Index hạ 2,03 điểm, tương ứng 2,39%, còn 83,1 điểm; HNX30-Index còn 158,54 điểm, giảm 4,01 điểm (-2,46%), HNX30TRI-Index hạ 4,68 điểm, tương đương 2,46%, còn 185,17 điểm; LARGE-Index mất 3,5 điểm, xuống 120,84 điểm…Tổng lượng giao dịch đạt 35,228 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 382,139 tỷ đồng.
Sang phiên buổi chiều, thị trường vẫn diễn biến theo xu hướng giảm khiến chỉ số chung tiếp tục đi xuống. Màu đỏ vẫn gần như bao trùm cản sàn khi mà có tới 174 mã giảm giá, chỉ 48 mã tăng giá; tại nhóm VN30, hầu hết cổ phiếu mất điểm.
Đóng cửa phiên, VN-Index giảm 11,59 điểm, tương ứng 1,87%, còn 609,47 điểm; VN30-Index còn 636,92 điểm, hạ 10,44 điểm (-1,61%).
Giao dịch tăng so với phiên cuối tuần trước, đạt 129,802 triệu cổ phiếu và trên 2.707 tỷ đồng.Thanh khoản tăng khi thị trường giảm mạnh là điều đáng lo ngại bởi với lực cung như vậy thị trường khó để tăng điểm vào phiên sau.
Đạt thanh khoản lớn nhất là FLC với 7,26 triệu cổ phiếu, tiếp đến là CII (6,67 triệu cổ phiếu), SSI (6,16 triệu cổphiếu), MBB (5,56 triệu cổ phiếu). Các mã còn lại có khối lượng chuyển nhượng dưới 4 triệu cổ phiếu.
Tại sàn Hà Nội, tổng lượng giao dịch đạt 54,032 triệu cổ phiếu và 601,556 tỷ đồng. Lực bán ra tiếp tục mạnh khiến các chỉ số chung vẫn đi xuống: HNX-Index hạ 1,82 điểm, tương ứng 2,13%, còn 83,31 điểm; HNX30-Index còn 159,05 điểm, giảm 3,49 điểm; HNX30TRI-Index giảm 4,07 điểm, còn 185,77 điểm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.