Chù ụ là một loài giáp xác sinh sống ở những cánh rừng phòng hộ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mấy năm gần đây chù ụ “tự nhiên” leo lên bàn ăn và trở thành món ăn đặc sản nên nghề săn chù ụ cũng rộ lên ở  miền duyên hải..

Chù ụ là một loài giáp xác sinh sống ở những cánh rừng phòng hộ ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Mấy năm gần đây chù ụ “tự nhiên” leo lên bàn ăn và trở thành món ăn đặc sản nên nghề săn chù ụ cũng rộ lên ởmiền duyên hải..

Món ăngiống… mặt vợ

Một lần cùng mấy người bạn đi du lịch biển Ba Hàng (xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), tôi nghe nhiều người kháo nhau: chưa nếm thịt con chù ụ là coi như chưa đến biển Ba Hàng. Hỏi thăm, cư dân miệt biển ai nấy cười chúm chím:Đi rồi biết. Mấy người bạn đi cùng tôi thắc mắc: “Món gì lạ quá vậy, từ xưa tới giờ mới nghe à nhe! Sao tên gọi giống... mặt vợ nhà mỗi khi nổi giận vậy!?.

Kêu một đĩa chù ụ rang me, tôi và đám bạn hồi hộp ngồi chờ và... ngẩn tò te (hoặc chù ụ!) khi nhà hàng mang ra một đĩa cua lắt nhắt 6 con (giá đến 35.000 đồng /đĩa). Thấy chúng tôi ồn ào bàn tán, người phục vụ vào trong mang ra thêm một thau đựng con chù ụ còn sống nguyên. Hóa ra, con chù ụ nhìn bề ngoài rất giống con ba khía (một loại còng mà dân miền duyên hải hay làm mắm) nhưng tướng tá dình dàng hơn, hai càng màu đỏ, mai sần sùi và “mặt mày” nhìn... buồn muốn chết. Tại cái mặt nó sù sụ như vậy nên người ta gọi là con chù ụ, cô bán hàng cười giòn giải thích. Anh Lưu Thanh Hải, Giám đốc công ty TNHH du lịch biển Ba Hàng - Trà Vinh, cho biết: Trung bình mỗi tuần điểm du lịch bán ra trên 100 kg chù ụ tươi sống, được chế biến thành nhiều món ăn như chù ụ rang me, chù ụ nướng, hấp bia, rang muối, luộc... Nhưng theo anh Hiệp, du khách đến từ TPHCM, món chù ụ rang me là tuyệt vời nhất bởi món này nóng, giòn, thịt ngọt, người ăn có thể nhai tất cả các ngoe (chân), càng của chù ụ. Anh Hải còn cho biết, mỗi dịp lễ, tết, du khách đến khu du lịch rất đông nên nguồn chù ụ dùng chế biến các món ăn luôn thiếu hụt. Chúng tôiđang tìm cách giữ cho chù ụ luôn tươi sống bởi săn chù ụ là một nghề rất cực, không phải ai cũng làm được, anh Hải nhìn nhận.

Gian nan nghề săn chù ụ

Theo chị Tuyết Băng (ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải), thương lái chuyên bỏ mối chù ụ cho các hàng quán ở khu du lịch biển Ba Hàng, bắt được con chù ụ là chuyện không đơn giản. Chị Băng cho tôi địa chỉ của vài thợ săn chù ụ, những người chuyên cung ứng hàng cho chị.

Theo lời chị, chúng tôi đến xã Long Khánh. Năn nỉ mãi, chúng tôi mới được gặp thợ săn chù ụ Trần Văn Trí đồng ý cho tháp tùng một chuyến săn chù ụ. Theo chân anh, chúng tôi lội bùn, đi sâu vào tận trong ruột những cánh rừng đước thâm u, mù mịt đầy muỗi mòng. Anh Trí cho biết: “Săn chù ụ phải chịu cực, chấp nhận hiểm nguy. Nghề đi bắt chù ụ chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây khi con chù ụ được đưa lên bàn ăn đặc sản. Trước kia, người ta chỉ bắt cua biển, ghẹ, ba khía... bởi những loại này dễ bắt hơn con chù ụ. Nghề bắt chù ụ gian nan nên người giỏi lắm cũng chỉ được vài ký/ngày. Đồ nghề săn chù ụ của anh Trí cũng không có gì đặc biệt: một cái thùng nhựa và cây xẻng nhỏ là có thể tác chiến từ sáng đến chiều. Càng đi sâu vào rừng đước, không khí càng trở nên ẩm lạnh. Anh Trí liên tục đảo mắt tìm hang chù ụ, tay không ngớt xua những bầy muỗi, mòng chó và con vắt luôn hăm he tấn công. Trước khi đi vào rừng tay chân phải thoa thuốc chống muỗi đều khắp. Quần áo cũng phải phủ kín người nếu không muốn bị muỗi, vắt xơi tái… Đang vừa nói, vừa lội dưới chang đước, anh Trí bỗng dừng phắt lại, đưa xẻng đào cấp tập một miệng hang nhỏ bằng nắm tay. Đào sâu chừng gần 1m, bỗng anh Trí quăng xẻng, thò tay vào hố chụp vội và ném vào thùng nhựa: một chú chù ụ quều quào nằm gọn trong thùng, chiếc càng giơ lên, ngo ngoe đầy vẻ hăm dọa nhưng... “mặt” vẫn buồn rười rượi.

Lội bùn gần một giờ đồng hồ mà anh Trí đào chưa được 10 chú chù ụ, tôi cũng cảm thấy nản lòng. Anh Trí giảng giải: “Muốn bắt được nhiều chù ụ phải đi từ sáng tới chiều. Từ một cái hang nhỏ trên mặt đất, càng đi sâu xuống lòngđất, hang sẽ rẽ ra hàng chục nhánh lớn nhỏ khác nhau, luồn lách giữa những chùm rễ đước chằng chịt. Nếu ai không chịu khó thì vô phương bắt được. Vào mùa khô, mỗi một hang có thể sâu cả sải tay. Có những hang khi đào thật sâu, phải chui đầu vào nhưng cũng chưa chắc bắt được chù ụ. Có khi đào tới 5-7 hang, mồ hôi nhễ nhại, mỏi rã rời nhưng không có con nào. Chính vì vậy, để bắt được chù ụ, đòi hỏi người săn phải có nhiều kinh nghiệm, phải biết hang nào có và hang nào không để khỏi uổng công đào. Trái lại, chù ụ cũng biết cách ngụy trang rất khéo để né tránh bàn tay của con người, dân thợ săn phải rất tinh ý mới phát hiện được hang chù ụ”.

Theo chị Tuyết Băng, hiện nay ở xã Long Khánh chỉ có chừng 9 người đủ kiên nhẫn làm nghề đi bắt chù ụ. Đi săn chù ụ là nghề vất vả và cực khổ nhưng giá bán không cao. Mỗi ngày, người giỏi nhất chỉ bắt được khoảng 2 kg, bán với giá 20.000 đồng /kg. Cũng bởi sức sống của chù ụ rất yếu, chỉ sống được hơn 12 giờ sau khi bắt lên bờ. Theo các thợ săn, từ trước đến nay họ chưa bắt được con chù ụ nào vượt quá trọng lượng 100 gam.

Bá Dũng (Cần Thơ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Săn chù ụ !

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.