(HNM) - Thực trạng thiếu sân chơi dành cho trẻ em đã diễn ra từ lâu luôn là vấn đề
Để bảo đảm quyền học tập, vui chơi, giải trí... hướng tới phát triển toàn diện cho các thế hệ tương lai, ngoài yêu cầu các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, rà soát và xây dựng chiến lược tổng thể trong việc quy hoạch các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, rất cần lắm sự chung tay góp sức của toàn xã hội…
Sân chơi miễn phí dành cho trẻ em ở bãi giữa Sông Hồng được tận dụng từ phế liệu. |
Trẻ em bị "ra rìa"
Theo công ước quốc tế về quyền được vui chơi cho trẻ em (Children's right to play), trẻ em phải được vui chơi, vận động để có thể phát triển tốt cả về thể lực lẫn trí lực, và hoàn toàn miễn phí. Rất tiếc một số cấp, ngành cũng như nhiều bậc phụ huynh chưa dành sự quan tâm đúng mức tới vấn đề này.
Để tìm hiểu vấn đề, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Theo bà Hồng, cần xem xét vấn đề dưới hai góc độ: Khách quan từ phía cơ quan quản lý và chủ quan thuộc về trẻ em cùng gia đình các em. Bà Hồng phân tích, một số cấp chính quyền chưa nhận thức được tầm quan trọng của các khu vui chơi đối với trẻ em, từ đó không thực hiện đúng quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt. Vì nhận thức thiển cận đó, các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ đã được quy hoạch bị thay thế bằng khách sạn, nhà hàng, quán bia, quán karaoke,…
Với nhiều bậc phụ huynh, mối quan tâm hàng đầu của họ dành cho con là chuyện ăn uống đầy đủ, học hành đến nơi đến chốn. Quyền được chơi của trẻ em và các tác dụng tích cực của nó chưa được chính mỗi gia đình coi trọng. Nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích của hoạt động vui chơi, giải trí cũng khiến họ thờ ơ với việc đấu tranh bảo vệ sân chơi bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh: "Nhu cầu vui chơi của trẻ em rất quan trọng, trẻ em chơi mà học, học mà chơi, chính vì thế các em cần được vui chơi nhiều hơn người lớn. Thực tế thì ngược lại, các phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền chơi tennis, đi câu cá nhưng không quan tâm đến nhu cầu của con em. Trong mỗi gia đình cần có sự bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa nhu cầu giải trí của bố, mẹ và con cái".
Các chuyên gia còn nhấn mạnh, ngoài việc thiếu sân chơi còn có hiện tượng bất bình đẳng trong hưởng thụ văn hóa của trẻ em ở các vùng khó khăn so với trẻ em ở khu vực thành thị. Có những địa điểm vui chơi thu phí quá cao hầu như chỉ con em nhà giàu mới có điều kiện vào chơi. Các chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần có chính sách cụ thể, thiết thực ở lĩnh vực này như giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp đầu tư dài hạn xây dựng khu vui chơi cho trẻ em để mọi trẻ em đều có thể được tham gia với mức phí vừa phải.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em đưa ra cảnh báo về những hệ lụy khôn lường từ việc thiếu sân chơi cho trẻ. Theo đó, trẻ em không có khu vui chơi, không có bể bơi an toàn thì sẽ xuống lòng đường đá cầu, trượt patanh; tắm ở ao, sông, hồ..., nguy cơ đuối nước hoặc tai nạn giao thông rất cao. Trên thực tế, sự gia tăng tai nạn thương tích vào dịp hè luôn đáng báo động. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị chết vì tai nạn thương tích nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Còn Hà Nội là một trong ba tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ em chết đuối cao nhất toàn quốc (bên cạnh Thanh Hóa và Nghệ An).
Cần một dự án tổng thể
Câu chuyện thiếu chỗ vui chơi cho trẻ em trong dịp hè đã trở thành "nỗi niềm" của mỗi người dân. Tuy nhiên, giải quyết thực trạng này không dễ bởi liên quan đến kinh phí, công tác quy hoạch và cả nhận thức của người dân.
Thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục thực trạng này. Điển hình là đề án "Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng sân chơi cho thiếu nhi các huyện, thị xã ngoại thành" do Thành đoàn Hà Nội phát động với mục tiêu xây dựng 100 sân chơi giai đoạn 2012-2017. Đề án này bước đầu đem lại hiệu quả, tuy số lượng sân chơi được đầu tư xây dựng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hàng vạn trẻ em khu vực ngoại thành.
Mới đây, tại hội thảo "Vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư ở Hà Nội" do Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày 6-5, nhiều đề xuất, giải pháp mới đã được đưa ra. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội đề xuất giải pháp mới trong quản lý cây xanh, công viên tại Hà Nội. Ông cho rằng bên cạnh nguyên tắc bảo tồn quỹ cây xanh di sản, phủ xanh đường phố còn cần đổi mới quản lý cây xanh để có không gian vui chơi, giải trí, giao tiếp cộng đồng và cần xem đây là giải pháp ưu tiên, hạn chế diện tích để xe, kinh doanh dịch vụ. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng đề nghị rà soát lại quy hoạch công viên vườn hoa hiện hành để điều chỉnh chức năng, phân khu tạo điều kiện tăng diện tích cây xanh dành cho chức năng thể dục thể thao, nghỉ ngơi cho người già và khu hoạt động cho thanh thiếu nhi.
Một trong những giải pháp cụ thể được đưa ra là Hà Nội cần kiểm kê quỹ đất có thể phát triển vườn hoa sân chơi trong khu dân cư, trong đó lồng ghép với nhiệm vụ kiểm kê quỹ đất công, đặc biệt là các quỹ đất công đang sử dụng lãng phí, sai mục đích để ưu tiên phát triển vườn hoa sân chơi; khôi phục không gian công cộng hiện có, đẩy lùi tệ nạn lấn chiếm, sử dụng sai mục đích để khôi phục, nâng cấp các không gian vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư.
Về chính sách vĩ mô, Ths Lã Thị Kim Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, cần xác định không gian công cộng, nhất là vườn hoa, sân chơi phục vụ cộng đồng là một trong những vấn đề chiến lược, là yếu tố cạnh tranh phát triển giữa các quận, phường, xã, khu nhà ở, và xem đây như một tiêu chí quan trọng để nâng cấp hạng đô thị.
Trong lúc chờ những giải pháp vĩ mô, hiện nay đã có một số tổ chức, cá nhân thiện nguyện tham gia vào công tác " xã hội hóa sân chơi dành cho trẻ em" ở Hà Nội. Điển hình là sân chơi miễn phí dành cho trẻ em ở khu vực bãi giữa sông Hồng, do nhóm Think Playgrounds đầu tư xây dựng. Điều đặc biệt, phần lớn vật liệu dùng để tạo ra sân chơi này được tận dụng từ… đồ phế thải. Nhóm bạn trẻ có chung nhiệt huyết còn tiếp tục thực hiện một sân chơi trong khu trồng rau an toàn Tuệ Viên - Organic farm ở Cự Khối - Long Biên và một sân chơi trong công viên để trống ở huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi... Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự chung tay góp sức của cả cộng đồng trong việc tạo lập các sân chơi bổ ích, lý thú dành cho trẻ em.
Sự chung tay của cộng đồng là cần thiết tuy nhiên, giải pháp căn cơ phải là việc thực thi các quy định của pháp luật. "Thực trạng, khuyến nghị thì có rất nhiều, nhưng thực tế tiếng nói của các nhà khoa học chưa đến được với các nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Lãnh đạo các địa phương phải chấp hành nghiêm túc chỉ đạo, quyết định của Nhà nước, Chính phủ về quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ em... Thêm vào đó, phải có một tầm nhìn rộng hơn về vấn đề này, phải coi đầu tư vào vui chơi giải trí cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, bởi chỉ có đầu tư toàn diện, các em mới phát triển và trở thành những công dân có ích cho đất nước sau này" - bà Ninh Thị Hồng khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.