Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân chơi nhiều thách thức

Ánh Tuyết| 11/12/2015 07:02

(HNM) - Tiến tới việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong thời gian tới, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh thuận lợi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó có thách thức liên quan tới hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TĐC). Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi


- Thưa ông, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được hình thành vào cuối năm nay. Đối với lĩnh vực TĐC thì việc hội nhập trong khu vực ASEAN có vai trò và ý nghĩa như thế nào?

- Chúng ta cần nhìn nhận rằng bất kỳ một cơ hội nào cũng luôn đi kèm thách thức, nếu không có sự chuẩn bị thật tốt thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong lĩnh vực TĐC, chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài cho tiến trình hội nhập quốc tế. Một số chiến lược cơ bản đã được Tổng cục TCĐLCL triển khai như xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia có tỷ lệ hài hòa cao so với tiêu chuẩn quốc tế, đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống chuẩn đo lường quốc gia và hình thành mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp được quốc tế thừa nhận. Một hạ tầng TCĐLCL được xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ, đạt chuẩn quốc tế sẽ là cơ sở nền tảng giúp cho các doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật trong quá trình hội nhập.

Doanh nghiệp cần chủ động cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ảnh: Linh Ngọc



Tuy nhiên, tôi cho rằng trọng tâm và đối tượng chính của câu chuyện hội nhập quốc tế này chính là các tổ chức, doanh nghiệp. Về điều này, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị tốt. Ví dụ, qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp, tôi thấy rằng họ chưa có ý thức rõ ràng về các cơ hội hay thách thức sẽ phải đối mặt vào thời điểm các nước trong ASEAN triển khai thực hiện các nguyên tắc của một cộng đồng kinh tế chung.

- Vậy thì khi tham gia vào sân chơi chung này, chúng ta có thể gặp khó khăn gì trong lĩnh vực TĐC, thưa ông?

- Trong một cộng đồng kinh tế chung với rất nhiều rào cản về thuế quan được gỡ bỏ, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sẽ được tạo điều kiện thông thương một cách tối đa. Trong sân chơi rộng lớn này, các doanh nghiệp của chúng ta chắc chắn sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ có quy mô, trình độ công nghệ, trình độ quản lý rất tốt đến từ các nước có trình độ phát triển tương đối. Khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã được tạo điều kiện thông thương tối đa, người tiêu dùng sẽ có rất nhiều lựa chọn và chắc chắn nhu cầu cũng như đòi hỏi của họ sẽ không ngừng nâng lên. Doanh nghiệp của ta sẽ phải giải quyết bài toán về việc xác định vị trí của mình trong phân khúc thị trường, xác định mức tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm, dịch vụ của mình và sẽ phải tìm hiểu, làm quen với nhiều tập quán tiêu dùng mới ở trong nước và trong toàn khu vực ASEAN. Doanh nghiệp, ngoài việc đổi mới công nghệ, chắc chắn sẽ phải quan tâm đến việc áp dụng các công cụ năng suất, chất lượng, các công cụ quản lý tiên tiến và quan tâm đến việc sử dụng các dịch vụ đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế chung. Đây cũng chính là mục tiêu chiến lược được xác định trong Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 mà Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL được giao làm đầu mối triển khai.

- Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp không biết đến việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN. Vậy, trong thời gian tới, cần phải làm gì để doanh nghiệp biết đến sự kiện này nhiều hơn nữa, thưa ông?

- Hệ thống tuyên truyền trong thời gian vừa qua đã nhấn mạnh đến vai trò của hội nhập quốc tế. Các bộ, ngành đều có định hướng tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về vấn đề này, đặc biệt là nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực cạnh tranh. Bộ KH&CN và Tổng cục TCĐLCL đã rất tích cực trong quá trình triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, qua đó có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao được sức cạnh tranh, chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng nhờ vào việc áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến, tiếp cận được hạ tầng tiêu chuẩn hài hòa tiêu chuẩn quốc tế.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, triển khai các chương trình trợ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo tôi, vai trò của hệ thống các cơ quan truyền thông là đặc biệt quan trọng. Chúng ta cần phải làm thế nào đó để vấn đề hội nhập quốc tế nói chung, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập trở thành một vấn đề được quan tâm thường xuyên, trở thành hơi thở trong cuộc sống của các doanh nghiệp.

- Khi Việt Nam gia nhập các sân chơi này thì mọi hàng rào sẽ bị dỡ bỏ và chỉ có thể dựa vào hàng rào kỹ thuật. Vậy, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật có ý nghĩa như thế nào đối với các doanh nghiệp, thưa ông?

- Là thành viên chính thức của WTO, Việt Nam đã ký kết và có trách nhiệm thực hiện Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Hiệp định này cũng công nhận nhu cầu của mỗi quốc gia trong việc tạo nên các hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo đảm sự an toàn của người tiêu dùng, an toàn về môi trường và bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Tất nhiên, chúng ta cũng giống như các nước tham gia Hiệp định, là có trách nhiệm gỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật không cần thiết, gây cản trở cho thương mại. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trong nước, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, chúng ta cần nắm vững các yêu cầu quy định về vấn đề này trong Hiệp định đã ký kết, để từ đó nghiên cứu xây dựng được các biện pháp kỹ thuật bảo đảm sự an toàn của con người, vật nuôi và môi trường sống. Tuy nhiên, phải thấy rằng, nếu không có sự chuẩn bị thích đáng để nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp sẽ vấp phải khó khăn từ chính các biện pháp bảo vệ mà Nhà nước đã xây dựng. Nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh chính là chìa khóa để các doanh nghiệp của chúng ta vượt qua được các rào cản kỹ thuật của các nước khác trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hội nhập rộng rãi ngày nay.

- Cảm ơn ông về nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.