Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sai quy trình, khiếu kiện kéo dài

Nguyên Hoàng| 23/02/2011 06:23

(HNM) - Việc điều chỉnh hướng tuyến đường mà chưa thông qua Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự nôn nóng và thiếu thận trọng của TP Hồ Chí Minh… Đó là một phần nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến những khiếu nại, tố cáo của người dân về những dấu hiệu khuất tất của dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi.

Quy hoạch dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi được Thủ tướng phê duyệt ngày 12-9-1997, là một đường thẳng qua khu phố 8 phường 2, quận Tân Bình, lộ giới 60m. Nhưng khi khởi công ngày 9-6-2008, TP Hồ Chí Minh lại bẻ cong hướng tuyến này thành 2 nhánh: một đi vòng đường Bạch Đằng 2 (qua tổ 82 và 89, khu phố 9 phường 2) và tuyến kia là đường Hồng Hà, quận Tân Bình. Mỗi đường rẽ này chỉ có lộ giới 20m. Người dân cho rằng TP cố tình "nắn" đường vành đai là sai phạm. Trong đơn tố cáo của người dân cho rằng việc thay đổi hướng tuyến đường nhằm mục đích hợp thức hóa các nhà xây dựng, lấn chiếm đất đai trái phép, có tiêu cực. Sau khi nghiên cứu các tài liệu, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc khiếu kiện của nhân dân là có cơ sở.

Dự án vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài bắt đầu từ nút giao thông đường Trường Sơn (sân bay Tân Sơn Nhất) đi qua 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân (quốc lộ 1A). Dự án có tổng chiều dài 13,65km. Dự án được giao cho Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư theo phương thức B.T (thi công-chuyển giao) với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 8.000 tỷ đồng (năm 2007). Đổi lại Công ty GS E&C được thuê 5 khu đất trong 50 năm gồm: Thảo Điền 1, 2; số 90A Lý Thường Kiệt; khu đất ở đô thị mới Thủ Thiêm; một khu ở phường Long Bình, quận 9 để kinh doanh.

Theo kết luận Thanh tra Chính phủ việc UBND TP ban hành Quyết định 3585/QĐ-UBND ngày 19-7-2005 phê duyệt quy hoạch phương án xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài là không phù hợp với quy hoạch đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 2464 QĐ-UB-QLĐT ngày 22-5-1996 và phương án trong dự án tiền khả thi đã được Thủ tướng chấp thuận tại văn bản số 4557 KTN ngày 12-9-1997. Mặt khác khi ra quyết định điều chỉnh phương án tuyến đường, UBND TP đã không xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, không lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan, không tổ chức lấy ý kiến người dân trong khu vực quy hoạch mà chỉ căn cứ vào đề xuất của Công ty GS E&C là không thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 29, Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24-1-2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng. Không những thế UBND TP Hồ Chí Minh đã không có phương án tính toán cụ thể về hiệu quả kinh tế-xã hội của việc điều chỉnh tuyến đường từ 60m thành hai nhánh, mỗi nhánh rộng 20m. Đây chính là nguyên nhân của việc khiếu kiện của người dân trong suốt thời gian qua; đặc biệt là những hộ dân không nằm trong diện quy hoạch của tuyến đường mà vẫn bị giải tỏa, thu hồi đất.


Dự án xây dựng đường nối sân bay Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được xây dựng với mục tiêu thực hiện một phần theo quy hoạch đường Vành đai trong TP Hồ Chí Minh nối sân bay Tân Sơn Nhất - cầu Bình Lợi - Vành đai ngoài (vành đai 2), phục vụ giải tỏa lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất ; đồng thời giải quyết bài toán giao thông từ sân bay đi về phía đông TP. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án lại có nhiều vi phạm. Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, việc áp giá đất sai thời điểm của TP đã làm lợi cho nhà đầu tư hơn 44,3 triệu USD; đề nghị làm rõ những sai phạm trong việc để thất thoát tiền ngân sách quá lớn này.

Do đó trong kết luận, Thanh tra Chính phủ yêu cầu: UBND TP cần có thái độ nghiêm túc nhận thiếu sót trước công dân về những khuyết điểm trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, giải thích, vận động người dân ủng hộ và có chính sách bồi thường, hỗ trợ hợp lý, công bằng để giải quyết dứt điểm các khiếu nại trong dân. UBND TP tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các cán bộ, công chức liên quan đến các vi phạm nêu trên của UBND TP, các sở GTVT, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, lãnh đạo tổ đàm phán hợp đồng BT, lãnh đạo Ban điều phối dự án và UBND các quận liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai quy trình, khiếu kiện kéo dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.