(HNMO) – Trước diễn đàn Quốc hội chiều 13-6, Bộ Trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về những sai sót trong khâu quản lý của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận trách nhiệm và thừa nhận đó là do năng lực cán bộ kém.
Bộ Trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn Quốc hội. |
Nâng cao năng lực của cán bộ
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL nhận được hơn 50 câu hỏi. Đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thẳng thắn thừa nhận những tồn tại của ngành và nhận trách nhiệm về mình với tư cách là người đứng đầu.
Đại biểu (ĐB) Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt vấn đề về năng lực, tư duy quản lý nghệ thuật biểu diễn còn lạc hậu, việc cấp phép nặng về xin – cho, đề nghị Bộ VH,TT&DL có giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận, những sai sót trong khâu quản lý của Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa qua là do năng lực cán bộ yếu kém. Việc thu hồi 5 bài hát trước năm 1975 rồi lại cho phép biểu diễn; việc cập nhật 324 bài hát lên website... đã được thực hiện sai nghiệp vụ. Bộ đã tiến hành kiểm điểm, xác định, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, nguyên nhân dẫn đến sai sót, từ đó chấn chỉnh, nâng cao đạo đức nghiệp vụ.
Chung mối quan tâm về vấn đề biểu diễn nghệ thuật, ĐB Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) nêu câu hỏi: Hiện nay, nhiều nghệ sĩ cố tình biểu diễn phản cảm, sử dụng “chiêu trò”, sẵn sàng xử phạt để nổi tiếng, trách nhiệm của Bộ VH,TT&DL trong việc làm “trong sạch” môi trường nghệ thuật ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận, hiện nay vẫn có những hiện tượng phản cảm của nghệ sĩ gây bức xúc trong xã hội. Về quản lý nhà nước, Chính phủ đã có nghị định về xử phạt hành chính liên quan đến các hành vi phản cảm này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp quan trọng là phải tăng cường giáo dục đạo đức cho các nghệ sĩ khi tham gia các hoạt động biểu diễn.
Cần làm rõ cách thu tiền tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn và ở quán cà phê
Một nội dung cũng được các ĐB Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đó là công tác quản lý, hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khi gần đây, hoạt động của trung tâm này thường xuyên gây tranh cãi trong dư luận.
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, VCPMC tiến hành thu phí tác quyền qua ti vi ở các khách sạn và các quán cà phê là không cần thiết, bởi việc thu tiền tác quyền như vậy sẽ khiến việc tiếp cận các tác phẩm của người dân bị hạn chế. Một ĐB khác cũng đặt câu hỏi, VCPMC là đơn vị tư nhân thì việc ra văn bản thu tiền là đúng hay sai?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, việc sử dụng các bài hát vì mục đích thương mại thì phải trả tiền, nên việc thu tiền tác quyền vừa qua là có cơ sở. Điều này đã được quy định rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, hình thức thu, cách thu của Trung tâm còn một số vấn đề cần làm rõ như: thu thế nào, ai ủy quyền, mức thu đã được thỏa thuận chưa.... Lãnh đạo Bộ VH-TT&DL mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến tranh luận của các ĐB và sẽ có báo cáo cụ thể bằng văn bản sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.