(HNM) - Xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) mặc dù đã thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa từ năm 2013, nhưng đến nay những bất cập nảy sinh từ công tác này vẫn chưa được làm rõ, gây những phức tạp mới cho địa phương...
Đề án một đằng, thực hiện một nẻo
Năm 2012, xã Phượng Dực thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Sau khi xây dựng phương án DĐĐT, các tiểu ban đã thông qua cấp ủy, hội nghị quân dân chính, hội nghị nhân dân và 100% người dân đều nhất trí. Phương án DĐĐT do các tiểu ban xây dựng đã được UBND xã phê duyệt, UBND huyện thẩm định. Trên cơ sở đó, các tiểu ban triển khai thực hiện, nhưng khi "bắt tay" vào việc, các tiểu ban DĐĐT tự ý thay đổi, không theo phương án đã duyệt, gây nhiều xáo trộn và bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, một số vùng chuyển đổi theo đề án đã bị xé lẻ cho dù đã được chuyển đổi ổn định từ năm 2003. Ngược lại, nhiều vùng không được quy hoạch nhưng người dân vẫn tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng, song Ban Chỉ đạo DĐĐT của xã không ngăn chặn, xử lý.
Nhiều ngôi nhà vẫn đang được xây dựng ở cánh đồng Gốc Xi. |
Ông Lê Xuân Tươi (ở thôn Xuân La), cho biết: Việc dồn ruộng lần 1 ở thôn Xuân La thực hiện từ năm 2003. Theo đó, gia đình ông cùng 27 hộ dân khác đã nhận ruộng về vùng trũng, bị ô nhiễm để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các xứ đồng Cửa Đình, Ao Trung con... Theo đề án DĐĐT đã được người dân đồng thuận và được cấp xã, cấp huyện thẩm định, xứ đồng các hộ nhận chuyển đổi từ năm 2003 đến nay vẫn nằm trong vùng chuyển đổi. Tuy nhiên, khi thực hiện DĐĐT, Tiểu ban thôn Xuân La lại rũ tung vùng chuyển đổi của 11 hộ ở khu vực Cửa Đình để chia nhỏ cho các hộ khác. Mặt khác, những hộ gia đình đã chuyển đổi trước kia, nay muốn tồn tại thì đều phải nộp tiền cho Tiểu ban DĐĐT của thôn, mức giá ấn định trong phương án DĐĐT là 135.000 đồng/m2. Ở thôn Phượng Vũ, một số hộ vì muốn giữ nguyên khu vực chuyển đổi, họ đã phải nộp cho Tiểu ban này một khoản tiền lớn; có hộ phải nộp đến 80 triệu đồng. Trong khi đó, một số xứ đồng như Gốc Xi, Đồng Tròn, Ao Trung to, Đồng Bọc ngoài… là đất hai vụ lúa (không phải là đất xấu), không được quy hoạch nhưng hiện có đến cả chục hộ dân vẫn đang xây dựng nhà làm khu vực chuyển đổi?
Xã lúng túng!
Nhiều hộ dân nhận chuyển đổi ruộng từ năm 2003, hiện đang bị Tiểu ban DĐĐT của thôn rũ ruộng ra để chia cho người khác, cho biết: Ngay khi bị Tiểu ban DĐĐT yêu cầu trả ruộng để chia cho người khác, nhiều người đã có đơn gửi Ban Chỉ đạo DĐĐT của xã, yêu cầu thực hiện theo đúng đề án nhưng không được ban chỉ đạo giải quyết. Bởi ban chỉ đạo cho rằng, "dân cho ở thì được tồn tại, dân không cho ở thì phải trả ruộng". Hơn thế, vùng chuyển đổi của những hộ dân từ năm 2003 đều do tiền của, sức lao động của họ bỏ ra trong suốt hơn 10 năm qua, không được ai hỗ trợ, nhưng nay lại bị yêu cầu phải nộp tiền mới được tồn tại. Đây là một điều bất hợp lý! "Khi chúng tôi yêu cầu Ban chỉ đạo DĐĐT của xã giải quyết thì lãnh đạo UBND xã lại viện lý do vùng chuyển đổi của chúng tôi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên phải dỡ bỏ. Vậy tại sao hiện nay, nhiều hộ gia đình cũng tự ý chuyển đổi mà không bị xử lý?", đại diện một số hộ dân đặt câu hỏi.
Trước những bất cập nêu trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Phượng Dực Nguyễn Văn Việt. Về việc các hộ dân đã chuyển đổi, muốn tồn tại phải nộp tiền thì ông Việt cho rằng: Việc thu tiền là thực hiện theo đề xuất của dân. Nguồn thu này nhằm hỗ trợ những hộ có ruộng xa và bị lấy đất làm đường giao thông; UBND xã không quản lý số tiền đã thu được và cũng không biết số tiền các thôn thu bao nhiêu? Còn việc nhiều hộ tự ý chuyển đổi tại cánh đồng Gốc Xi không bị ngăn chặn là do Tiểu ban DĐĐT thôn Xuân La đang đề nghị bổ sung khu Gốc Xi vào vùng được chuyển đổi (nay chưa được cấp nào phê duyệt).
Công tác làm đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi khi thực hiện DĐĐT phần lớn đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ, nhưng một số tiểu ban DĐĐT ở xã Phượng Dực vẫn thu tiền là việc làm không rõ ràng, thiếu minh bạch. Được biết, Đoàn thanh tra của UBND huyện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về những tố cáo liên quan đến một số lãnh đạo xã khi thực hiện DĐĐT. Ông Đặng Văn Giới, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Xuân La cho biết: "Ngay từ khi Tiểu ban DĐĐT của thôn triển khai dồn ruộng, tôi đã có ý kiến, sau đó có đơn về việc tiểu ban thực hiện không đúng phương án DĐĐT đã được các cấp phê duyệt, nhưng Ban chỉ đạo DĐĐT của xã không giải quyết mà chỉ trả lời vòng vo rằng thực hiện như vậy là đúng theo ý kiến của người dân…?".
Cấp thôn và Tiểu ban DĐĐT không được phép thu tiền nhưng việc này vẫn diễn ra và không bị UBND xã Phượng Dực điều chỉnh? Vì sao đề án DĐĐT đã được các cấp thẩm định, phê duyệt và người dân đồng thuận, nhưng trên thực tế lại thực hiện hoàn toàn khác? Thực tế đó cho thấy những phức tạp của địa phương đã không được giải quyết kịp thời. Đề nghị UBND huyện Phú Xuyên sớm thanh tra, kiểm tra và có kết luận để làm rõ những sai phạm trong công tác DĐĐT tại địa phương này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.