(HNM) - 20 năm ròng rã gõ cửa các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi sau khi đã bỏ tiền ra
Diện tích đang tranh chấp đã được ông Hải dựng nhà tôn. |
Sự việc bắt đầu từ phiên đấu giá do UBND xã Tân Lập tổ chức ngày 16-12-1991, trong đó ông Tấn tham gia đấu giá ở khu ao Giếng. Khi đó xã Tân Lập căn cứ hiện trạng mà sử dụng số liệu trên bản đồ đo năm 1967, nên ao có diện tích 625m2 và được chia thành hai phần bằng nhau là ô số 4, 5. Theo các tài liệu ghi nhận thì ngay tại phiên đấu giá, ông Phan Quang Hải ở cụm 6, thôn Hạ Hội, xã Tân Lập có đơn xin tham gia và đã đặt tiền cọc nhưng do không đủ tiền để đấu giá toàn bộ ô đất nên đã đưa ý kiến được mua 2m mặt đường, sâu 20m (thuộc ô số 5) bằng với giá của người trúng thầu cao nhất và hội nghị đã nhất trí (tài liệu chứng minh hiện không còn lưu giữ). Sau khi bỏ thầu, ông Tấn trúng ô số 5, bao gồm cả phần đất mà hội nghị đã thống nhất bán cho ông Hải 40m2. Sau đấu giá, ông Hải nộp gần 2.000.000 đồng, ông Tấn nộp 11.100.000 đồng vào ngân sách UBND xã. Năm 1993, xã Tân Lập giao mốc giới cho các bên, nhưng ông Tấn không nhận vì cho rằng ông Hải không đấu giá trực tiếp nên UBND xã không thể "xén" đất của ô số 5 cho ông Hải, đồng thời có đơn khiếu nại gửi các cấp. Năm 1995, UBND xã Tân Lập ra Quyết định 27/QĐ-UB về việc giao mốc giới, theo đó ông Hải được giao sở hữu 40m2, ông Tấn được giao 271m2 (tương ứng với số tiền các bên đã nộp), nhưng ông Tấn vẫn không nhận và tiếp tục có đơn. Năm 2002, UBND huyện Đan Phượng ban hành Quyết định 340/QĐ-UB, giải quyết đơn của ông Tấn với nội dung: Chấp nhận kết quả đấu thầu đất năm 1991 của UBND xã Tân Lập và giao UBND xã thu hồi 40m2 đất ao Giếng của ông Hải vì ông Hải không trực tiếp tham gia đấu thầu; đồng thời giao 40m2 đất đó cho gia đình ông Tấn… Không đồng ý với quyết định này, ông Hải khiếu nại và bị UBND huyện Đan Phượng bác đơn nên ông Hải tiếp tục gửi đơn đến UBND TP Hà Nội. Tại Kết luận số 1814/KL-TTTP ngày 23-8-2011, Thanh tra TP kết luận, việc UBND xã Tân Lập tổ chức đấu thầu là trái Luật Đất đai năm 1988 và việc thu tiền 40m2 đất của ông Hải là tùy tiện, trái pháp luật dẫn đến khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Trong quá trình giải quyết đơn, UBND huyện Đan Phượng không làm rõ sai phạm của UBND xã Tân Lập trong tổ chức đấu thầu, đưa ra hướng giải quyết còn thiếu thận trọng… Từ đó, Thanh tra TP Hà Nội kiến nghị UBND thành phố ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của ông Hải theo hướng: Giao UBND huyện Đan Phượng chỉ đạo UBND xã Tân Lập ban hành quyết định hủy bỏ kết quả đấu thầu khu ao Giếng, thu hồi quyết định giao mốc giới cho các ông Tấn, Hải và có phương án thu hồi toàn bộ diện tích đất ao Giếng…
Theo đánh giá của nhiều người, đây là kết luận đúng quy định pháp luật nhưng không có tính khả thi vì khu ao Giếng có biến động khác xa so với hiện trạng thửa đất khi đấu giá từ hơn 20 năm trước. Theo kết quả đo hiện trạng năm 2011, ao Giếng chỉ còn rộng 550m2. Gia đình ông Tấn đã san lấp trên diện tích 500m2, đồng thời đã xây dựng một số công trình. Gần đây nhất, gia đình ông Hải cũng đã san lấp và dựng nhà tôn trên phần đất đang tranh chấp với ông Tấn nhưng cũng không bị UBND xã xử lý? Trước kiến nghị của Thanh tra TP, lãnh đạo xã Tân Lập tỏ ra lo lắng vì nếu thực hiện theo văn bản này thì không biết phải trả lại tiền cho người dân thế nào cho thỏa đáng khi giá trị tiền của 20 năm về trước so với hiện nay trượt giá quá lớn chưa kể, tiền đất tính theo khung giá của Nhà nước thấp hơn nhiều so với giá thị trường? Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản, công trình trên đất sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì các hộ đã xây nhà ở kiên cố?
Theo nhận định của chúng tôi, kiến nghị này là hợp lý, nhưng cũng là thách thức cho các cơ quan chức năng bởi phiên đấu giá đó diễn ra ở 4 ao, nếu hủy kết quả đấu giá ở ao Giếng thì phải hủy kết quả ở 3 ao còn lại (diện tích ở 3 ao đấu giá người dân đã sinh sống ổn định, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Hơn thế, trong phiên đấu giá này, lỗi không phải do người dân mà thuộc về cơ quan chức năng. Được biết, cuối tháng 6-2013, UBND huyện Đan Phượng đã mời ông Tấn đến nghe dự thảo kết luận giải quyết khiếu nại, song gia đình ông Tấn không đồng ý và vẫn giữ quan điểm UBND xã phải trả cho gia đình ông đủ 40m2 đã cắt cho ông Hải…
Thực tế trên là minh chứng cho câu nói "sai một ly, đi một dặm", song do tồn tại lịch sử để lại, các bên tranh chấp cần hợp tác để có tiếng nói chung, tìm cách giải quyết phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Với trường hợp này rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu để ban hành kết luận hợp lý, hợp tình để chấm dứt khiếu kiện phức tạp này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.