Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sai... một li

Hoàng Thu Vân| 04/01/2011 06:47

(HNM) - Sáng 31-12-2010, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Khoa học - công nghệ (KHCN) đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan quản lý và chuyên gia về lĩnh vực sinh học để bàn giải pháp loại bỏ rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm.


Nhiều phương án được đưa ra vừa bảo đảm loại trừ được loại rùa gây hại một cách hiệu quả, vừa giữ được môi trường, cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, không làm ảnh hưởng tới các "cụ" rùa đang sinh sống ở đây. Kết thúc cuộc họp, TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết sẽ sớm trình thành phố giải pháp bắt rùa tai đỏ. Cơ quan chức năng còn thành lập riêng một tổ công tác chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Tóm lại, câu chuyện loại trừ rùa tai đỏ tới thời điểm này là rất cấp thiết và chắc chắn sẽ tốn không ít sức người và tiền của. Tuy rằng, trong từng phương án loại trừ rùa tai đỏ chưa hề có công bố cụ thể số kinh phí sẽ phải bỏ ra.

Rùa tai đỏ (có hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt) có xuất xứ từ thung lũng Mississippi (Bắc Mỹ), khi trưởng thành có thể dài tới 25cm và tuổi thọ có thể lên đến 60-70 năm. Đây là một loại động vật ăn tạp, sinh sôi nảy nở rất nhanh, đặc biệt gây nguy hại cho môi trường nên được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp trong 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới.

Người ta cho rằng, rùa tai đỏ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng 10 năm về trước, cũng có người nói từ khoảng những năm 1990-1994 đã thấy loại rùa này. Tuy nhiên, tất cả chỉ là phỏng đoán vì ngay cả các cơ quan quản lý cũng chưa thể đưa ra kết luận. Nhưng chắc chắn cũng giống như ốc bươu vàng, cá dữ piranha, hải ly..., rùa tai đỏ không thể từ "trên trời rơi xuống" mà "di cư" từ Bắc Mỹ về Việt Nam. Đến một ngày, cũng giống như ốc bươu vàng xuất hiện dày đặc tàn phá các ruộng lúa, người ta thấy rùa tai đỏ tung tăng bơi lội trong hồ Văn của Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay ung dung bò lên Tháp Rùa của hồ Hoàn Kiếm phơi nắng, hoặc chễm chệ bám trên lưng "cụ" rùa Hồ Gươm "du lịch" quanh hồ... Thế là các cơ quan chức năng... giật mình rồi khẩn trương vào cuộc, tìm cách loại trừ.

Song, có một vấn đề mà qua rất nhiều vụ việc chưa được quan tâm đúng mức - đó là cách thức thực thi công việc của những người được giao chức năng quản lý. Phải chăng "tầm nhìn" ở khâu quản lý của chúng ta ở những lĩnh vực này là hết sức bị động, thiếu kế hoạch dài hơi và... chắc chắn là thiếu cả sự hiểu biết. Do đó, như nuôi ốc bươu vàng hay hải ly, đã có lúc từng được coi là giải pháp "xóa đói giảm nghèo", thậm chí... làm giàu. Lại có nhà khoa học từng đăng đàn khuyên bà con nông dân nên phát triển chăn nuôi những loài động vật trên.

Việc rùa tai đỏ xuất hiện ở những nơi như Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay hồ Hoàn Kiếm, có ý kiến cho rằng, do bà con ta hay khách du lịch phóng sinh, lại có người nêu do trận ngập lụt lịch sử hồi cuối năm 2008 ở Hà Nội... Tất cả những lý giải đó có vẻ không sai, nhưng sâu xa hơn là tại sao những loài nguy hại này có mặt tại Việt Nam thì dường như chưa có ai đặt vấn đề và chưa có ai trả lời. Các cụ xưa đã dạy: Sai một li, đi một dặm. Đã có quá nhiều bài học từ thực tế nhưng chưa thấy ai (hoặc cơ quan quản lý nào) nhận là mình sai cả. Trong từng chuyện, công tác quản lý cứ lẽo đẽo chạy theo thực tế như thế thì còn tốn sức người và tiền của cho xã hội dài dài...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai... một li

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.