(HNM) -
Hơn hai trăm trang bút ký - phóng sự trong tập sách là dấu ấn khó quên sau một chuyến xuất ngoại dài ngày của nhà văn Nguyễn Uyển. Tôi nghĩ, con cháu ông định cư ở CH Czech khi mời ông sang chơi, họ không nghĩ rằng đã đồng thời mời theo một nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp - Nguyễn Uyển. Quả thật, kinh nghiệm sống cộng với thói quen nghề nghiệp đã mách bảo ông xoay chuyển mục đích hướng đi: Không chỉ để xả bớt những năm tháng nhọc nhằn của tuổi "cổ lai hy" mà là tranh thủ đắm mình vào một thực tế mới lạ! Đúng ra là ông đã bị động cơ sáng tác hối thúc và thế là sự quan sát, ghi chép, chiêm nghiệm của nhà văn, nhà báo được bắt đầu một cách lặng lẽ trên đất CH Czech và mở rộng dần ra một loạt các nước khác trong khối Liên minh Châu Âu.
Nguyễn Uyển đã có những phát hiện của riêng mình, nhất là khi vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa Việt nơi đất khách, quê người đã khiến ông phải trăn trở rất nhiều, cho dù sự hội nhập của người Việt đã có chiều sâu, việc nhập quốc tịch một nước khác đối với họ đã khá thuận lợi. Đọc kỹ những trang viết tâm huyết của ông, mới vỡ lẽ, những người Việt đang sống và lao động ở trời Âu xa xôi này đã thể hiện tình cảm sâu nặng với quê ngay từ trong không gian thiết kế nơi ăn, chốn ở, tiêu biểu là khu Trung tâm Thương mại du lịch aisa.dragon.bazar, của Giám đốc Trần Văn Đang, quê gốc Hà Nội. Chẳng ai ngờ ở "quê hương Việt Nam thu nhỏ" ấm cúng này lại có đại lộ chính mang tên vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ở trời Âu, người Việt rất chú ý dạy con cái nói sõi tiếng mẹ đẻ song song với việc nắm vững ngôn ngữ nước ngoài, dạy con chuộng bánh mì pâ-té nhưng không quên miếng bánh chưng gạo nếp Việt, dạy con biết trân trọng tà áo dài nền nã bên cạnh bộ comple, ở nhà cũng như ra đường phải ứng xử lễ phép với bề trên... như một cách gìn giữ văn hóa cội nguồn.
Nguyễn Uyển cũng ghi chép khá kỹ tâm tính và cách thức sinh sống, đùm bọc, bảo ban nhau làm ăn của cộng đồng người Việt xa xứ. Ông lột tả được điểm hấp dẫn, đậm đà hương vị Việt của các quán bán phở, bún, chè chén, cà phê, tiệm làm đẹp, cắt tóc gội đầu, sửa móng chân, móng tay... Ông nêu ra những hoạt động cộng đồng mà mình chứng kiến: Vận động quyên góp cứu trợ bão lụt, giúp đỡ người nghèo, những nạn nhân chất độc da cam; tổ chức những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Những trang viết vừa thấm đẫm văn phong nghệ sĩ vừa sắc bén tính báo chí của Nguyễn Uyển đã cho người đọc hiểu hơn về cung cách sống của người Việt ở trời Âu. Ngoài việc bươn trải kiếm sống và khẳng định mình, họ vẫn dõi theo những đổi thay ở quê nhà. Họ quan tâm học hỏi cái hay, cái đẹp ở xứ người, từ đó so sánh mà ngẫm về cái được và cái chưa được ở xứ ta, để có những góp ý nhất định khi có điều kiện, những mong đất nước có những đổi mới, tiến kịp với bè bạn năm châu.
Trong những trang viết, tác giả Nguyễn Uyển cũng không ngần ngại phê phán thái độ phủ định vô căn cứ về công cuộc đổi mới mà toàn Đảng, toàn dân ta đang dốc sức thực hiện của một vài cá nhân bị mất gốc nào đó khi thiếu thông tin chính xác cần thiết... Hơn thế, những gì Nhà nước ta và CH Czech đã làm, đang làm để hội nhập toàn diện, có chiều sâu, bền vững đã được Đại sứ Việt Nam tại Czech Trương Mạnh Sơn nói khá rõ trong cuộc trò chuyện của ông với nhà báo Nguyễn Uyển, tác giả ghi lại toàn bộ trong sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.