(HNMCT) - Những năm gần đây, nhiều cuốn sách địa chính trị đã được dịch sang tiếng Việt và được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Làm nên sức hấp dẫn cho những tác phẩm này, ngoài chủ đề địa chính trị đang ngày càng được quan tâm thì còn là bởi lối viết dễ đọc, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng độc giả.
Lâu nay, khi giới thiệu một vùng đất, một thành phố, người ta không thể không nhắc tới vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng đất, thành phố ấy. Đó là những yếu tố định hình nên vùng đất, cả về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Thế nhưng, vai trò của vị trí địa lý lại thường bị bỏ qua trong các kiến giải về lịch sử. Nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố địa lý, ngày càng nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu chủ đề này. Theo Robert D.Kaplan, tác giả cuốn sách “Sự minh định của địa lý”, vấn đề địa lý chưa từng bị bỏ qua, nhưng dường như nó đã bị lãng quên.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, thực ra những tác phẩm đầu tiên về địa chính trị đã xuất hiện từ rất lâu rồi nhưng đó mới chỉ là sơ khởi. Kể từ sau Thế chiến II thì những khái niệm về địa chính trị, địa kinh tế mới được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, từ năm 1992, khi vấn đề môi trường toàn cầu được đặt ra ở Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển, người ta nhận ra rằng, công nghiệp hóa mang lại lợi ích về kinh tế nhưng lại gây ra những tác hại lớn mà nhiều khi tác hại ấy là không sửa chữa được. Đó là một trong những lý do khiến mọi người, kể cả các nguyên thủ quốc gia, nhìn sự phát triển dưới góc độ địa kinh tế và địa chính trị nhiều hơn, xác định rõ những yếu tố này chi phối sự phát triển của nhiều quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ.
Trong cuốn sách “Những tù nhân của địa lý”, tác giả Tim Marshall đưa ra mười quốc gia, vùng địa lý lớn như Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu, châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên và Nhật Bản, châu Mỹ Latin và Bắc Cực, mà ở đó địa chính trị là nhìn vào “các vấn đề quốc tế có thể hiểu được thông qua các nhân tố địa lý; không chỉ là cảnh quan tự nhiên - như những rào cản tự nhiên của núi non hoặc sự kết nối của mạng lưới sông ngòi - mà còn cả về khí hậu, nhân khẩu, các khu vực văn hóa và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên”. Theo tác giả, những nhân tố này có thể tác động quan trọng đến nhiều khía cạnh của nền văn minh, từ chiến lược chính trị và quân sự cho đến sự phát triển xã hội con người, bao gồm cả ngôn ngữ, thương mại và tôn giáo.
Bàn về tầm quan trọng của các yếu tố địa lý tự nhiên vốn làm nền tảng cho chính trị quốc gia và quốc tế với những phân tích sắc bén, dẫn chứng cụ thể, cuốn sách “Những tù nhân của địa lý” sau khi ra mắt đã được xếp vào danh sách tác phẩm bán chạy của tờ The New York Times và được xuất bản ở nhiều quốc gia. Có lẽ, góc nhìn của một nhà báo với hơn 25 năm kinh nghiệm về tin tức đối ngoại đã giúp cho tác phẩm của Tim Marshall có được sức cuốn hút lớn. Khi được dịch và giới thiệu tại Việt Nam, “Những tù nhân của địa lý” cũng là một trong những đầu sách được chú ý. Sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả là động lực đưa tác giả Tim Marshall tiếp tục ra mắt hai cuốn sách địa chính trị: “Chia rẽ”, ”Quyền lực của địa lý”.
“Chia rẽ” lý giải về thời đại của những bức tường khi mà trong thế kỷ XXI, hàng nghìn dặm tường và hàng rào đã được dựng lên dọc theo đường biên giới của ít nhất 65 quốc gia. Cuốn sách “Quyền lực của địa lý” tiếp tục bàn về địa chính trị qua khảo sát mười khu vực địa lý đang gia tăng ảnh hưởng đến nền chính trị toàn cầu như Australia, Iran, Hy Lạp... Trong cuốn sách này, ông tiếp tục khẳng định: “Địa lý là một yếu tố chủ chốt quyết định giới hạn những gì nhân loại có thể và không thể làm. Đúng là các chính trị gia rất quan trọng nhưng địa lý còn quan trọng hơn. Những lựa chọn của con người đang và sẽ không bao giờ có thể tách rời bối cảnh tự nhiên. Xuất phát điểm trong câu chuyện của bất kỳ quốc gia nào luôn là vị trí của quốc gia đó trong mối quan hệ với các nước láng giềng, các tuyến đường biển và tài nguyên thiên nhiên”.
Bên cạnh các cuốn sách địa chính trị dịch từ nước ngoài như “Sự minh định của địa lý”, “Quyền lực biển”, “Bàn cờ lớn”, “Biến động”, “Con đường tơ lụa mới”, “Địa chính trị”..., còn có một số đầu sách của tác giả Việt nhưng đa số là ở dạng giáo trình, sách nghiên cứu như “Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia”, “Địa - chính trị thế giới”... Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ bày tỏ, ở Việt Nam chưa có nhiều người tiếp cận những vấn đề về địa chính trị và ông hy vọng rằng những cuốn sách đã được xuất bản về chủ đề này sẽ góp phần làm thay đổi tư duy của mọi người về cách ứng xử với trái đất, với môi trường để sự phát triển luôn bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.