(HNMCT) - Tuyên Quang là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc. Dưới đây là một số nghi lễ và nghệ thuật trình diễn dân gian đặc trưng, độc đáo của các dân tộc ở xứ Tuyên.
Nghi lễ Then của dân tộc Tày
Then là thể loại dân ca nghi lễ, phong tục lâu đời của dân tộc Tày, thường được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng như cầu mùa, cấp sắc, cầu yên... Tại Tuyên Quang, vùng hát Then được duy trì và bảo tồn nguyên vẹn ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình. Năm 2019, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ cấp sắc và hát Páo dung của dân tộc Dao
Cấp sắc là nghi lễ trưởng thành của người con trai, thường được tổ chức vào tháng 11, 12 và tháng Giêng hằng năm. Đây là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao ở Tuyên Quang.
Hát Páo dung là điệu hát dân ca của dân tộc Dao, được chia thành các loại hình hát Páo dung nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục (thường sử dụng trong các nghi lễ cấp sắc, đám cưới, đám tang...) và hát Páo dung sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ...).
Với những giá trị nhân văn sâu sắc, Lễ cấp sắc và nghệ thuật hát Páo dung của dân tộc Dao đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013.
Hát Sình ca của dân tộc Cao Lan
Hát Sình ca là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian lâu đời, độc đáo của người Cao Lan. Sình ca là lối hát đối đáp giữa nam và nữ, được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán. Những cuộc thi hát Sình ca thường kéo dài từ chiều hôm trước đến rạng sáng hôm sau, mỗi đêm có một chủ đề riêng. Hát Sình ca của dân tộc Cao Lan đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu
Hát Soọng cô là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian hấp dẫn của người Sán Dìu ở Tuyên Quang. Các làn điệu Soọng cô có nội dung phản ánh cuộc sống lao động, sinh hoạt, phong tục tập quán... Không chỉ là một môn nghệ thuật, hát Soọng cô còn là tâm thức dân gian của dân tộc Sán Dìu, phản ánh các hiện tượng lịch sử, xã hội. Năm 2014, hát Soọng cô đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.