Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắc màu Tây Bắc giữa lòng Hà Nội

Thu Hiền| 29/04/2012 07:33

(HNM) - Hoa ban, cọn nước, chiếc thuyền đuôi én hay khăn piêu, vải thổ cẩm, nhạc cụ, công cụ săn bắt thú, cối xay, chợ phiên… là những nét văn hóa đặc trưng được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam (Số 2 Hoa Lư) trong chương trình


Đến đây, nhân dân Thủ đô và du khách không những có cơ hội tìm hiểu về nét văn hóa đặc trưng, mà còn được trải lòng cùng sự thơ mộng của cảnh vật và con người vùng đất Tây Bắc Tổ quốc.

Tại chương trình “Sắc màu Tây Bắc” đã diễn ra nhiều hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, trưng bày các hiện vật, sản phẩm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
Ảnh: Trần Huấn


Độc đáo chợ phiên

Chiếm gần 1/3 diện tích cả nước với khoảng 10 triệu người, gồm hơn 20 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, mảnh đất Tây Bắc được ví von như một bức tranh văn hóa đa màu sắc. Trong bức tranh ấy, chợ phiên được nhắc đến nhiều hơn cả. Bởi thế mà chương trình "Sắc màu Tây Bắc" giữa lòng Hà Nội không thể thiếu chợ phiên.


Chợ phiên Tây Bắc trong không gian của Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam được thiết kế, trang trí theo đúng môtíp của một phiên chợ vùng cao với nhiều hoạt động tái hiện theo lối sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Giữa chợ, các chàng trai Mông trong trang phục dân tộc nhâm nhi ly rượu ngô thơm lừng bên chảo thắng cố sôi sùng sục. Thấy lạ mà hay, anh Nguyễn Văn Nam, ở phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) cùng nhiều người dân Thủ đô thử ăn thắng cố, uống rượu ngô và cùng có chung nhận xét: "Thật đậm đà hương vị Tây Bắc, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi". Bên cạnh đó, các sản vật của địa phương như gạo nương, mật ong, hoa tam thất, phấn hoa, thịt trâu khô, chè tuyết san (Điện Biên), rượu cần, thổ cẩm (Hòa Bình), quế Vân Yên, chè Suối Giàng (Yên Bái)... cũng được mua bán, trao đổi nhộn nhịp. Người mua hàng vui vì đã mua được đặc sản, người bán cũng vui không kém vì không ngờ những sản vật của địa phương mình được người Thủ đô ưa chuộng đến vậy. Chợ vùng cao Tây Bắc càng hấp dẫn hơn với hình ảnh những chàng trai Mông thổi khèn gọi bạn, tìm bạn dặt dìu, tha thiết, những cô gái Thái trong trang phục khăn piêu, áo cóm mời chào khách mua hàng, những cô gái Tày chơi đàn tính dịu dàng, uyển chuyển…


Ông Tạ Xuân Hiếu, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Yên Bái cho biết: Để có thể tái hiện gần như nguyên vẹn phiên chợ vùng cao giữa lòng Hà Nội, tỉnh Yên Bái cũng như các địa phương khác đã dày công chuẩn bị trong suốt một thời gian dài. Yên Bái mang đến chợ phiên từ thắng cố, thịt trâu nướng, rượu táo mèo, chè Suối Giàng, rượu thóc La Pán Tẩn, đến cả hình ảnh lò rèn cổ xưa của đồng bào ở Mù Căng Chải. "Chúng tôi mong muốn người dân miền xuôi có dịp hiểu hơn về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, qua đó tăng cường giao lưu, hợp tác để phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc" - ông Tạ Xuân Hiếu khẳng định.

Giao lưu văn hóa

Với mục đích tăng cường sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, chương trình "Sắc màu Tây Bắc" do Bộ VH,TT&DL phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và UBND các tỉnh Tây Bắc tổ chức thực sự là "điểm hẹn" văn hóa. Ngoài chợ phiên, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi xem triển lãm "Sắc màu Tây Bắc". Thiên nhiên và con người Tây Bắc được thể hiện thông qua những hình ảnh rất tiêu biểu mà khi nhắc đến, kể cả những ai chưa từng đặt chân đến đấy cũng có thể biết. Đó là hoa ban - đặc trưng mùa xuân vùng Tây Bắc, đó là cọn nước, thuyền đuôi én, là ngôi nhà sàn Thái, ngôi nhà và hàng rào đá có cô gái Mông đang xay ngô… Trong không gian chung ấy, tỉnh Hòa Bình đã khéo léo "khoe" trống đồng, cồng chiêng, mo Mường hay góc bếp của người Mường; còn góc trưng bày của tỉnh Lào Cai lại quyến rũ bởi hình ảnh phiên chợ Bắc Hà và các lễ hội truyền thống…


Cuộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa giữa đồng bào các dân tộc Tây Bắc với người miền xuôi còn được thể hiện sinh động hơn qua chương trình biểu diễn nghệ thuật liên tục trong ba ngày hội. Tỉnh Hòa Bình mang đến màn hòa tấu cồng chiêng, hát, múa dân tộc Mường, như hát "Ru ún", múa "Hoa bông trăng", "Bốn Mường khoe sắc"... Chương trình nghệ thuật của Sơn La phong phú, đậm chất Tây Bắc với biểu diễn nhạc cụ, những điệu múa dân gian, những bài dân ca, những bộ trang phục của dân tộc Thái, Lào, Mông, Xinhmun. Điện Biên "góp vui" bằng những màn hát múa, trình diễn trang phục dân tộc Mông, Hà Nhì. Lai Châu tham gia với các tiết mục hát dân ca, múa dân tộc Thái, Lự, chơi sáo, đàn tính, trình diễn trang phục dân tộc Dáy, Hà Nhì, Thái trắng, Lào, Si La… đầy sôi động, cuốn hút. Các diễn viên, nghệ nhân của tỉnh Yên Bái trình diễn trang phục dân tộc Dao đỏ, Thái, Mông, Khơmú, Cao Lan, Xá Phó; biểu diễn nghệ thuật dân gian dân tộc Thái, Khơmú, Mông…

Nói như Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Khánh Hải thì "Chương trình "Sắc màu Tây Bắc" vượt lên ý nghĩa của ngày hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, vùng miền để trở thành ngày hội biểu dương sức mạnh đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong thời kỳ mới".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sắc màu Tây Bắc giữa lòng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.