Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắc màu phố hôm nay

Nhật Nam| 22/01/2020 08:09

(HNMCT) - Nghệ thuật “sống” trong phố, nghệ thuật là một phần của phố - sự xuất hiện ngày càng nhiều của những không gian nghệ thuật nơi công cộng đã thổi một sức sống mới, làm thay đổi phần nào gương mặt phố phường Hà Nội hôm nay.

Ảnh: Thanh Hà

“Chạm” vào nghệ thuật ở phố

Một tối cuối năm lang thang ven Hồ Gươm, bỗng nghe tiếng hát của nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa vang lên trong tiếng nhị réo rắt: “Bao giờ cho đến tháng năm/ mẹ ta trải chiếu ta nằm đếm sao...”. Giữa cái rét dễ khiến người ta quýnh quáng, vội vàng, tiếng hát ấy bỗng níu nhiều người sà xuống vài chiếc chiếu, vừa trải làm sân khấu, vừa làm khán đài ở khuôn viên nhỏ trong khu vực Tượng đài vua Lê. Có người kiếm đâu được chén trà nóng, xuýt xoa xoay đôi bàn tay. Khẽ nhích người và kéo tay tôi ngồi vào một khoảng trống nhỏ còn lại trên ghế đá, một phụ nữ luống tuổi gật gù: “Đêm nay hay quá, nhiều bài cô thích!”. 

Cái thú lê la nghe xẩm chợ khi xưa, rồi cảm giác ở một chiếu chèo “mở giữa mùa xuân”, cái háo hức đứng trên đồi Lim mà nghe liền anh, liền chị giao duyên, rồi thoắt cái đã lang thang vào tận đàng trong nghe ca Huế, dạt vô miền trong sông nước nghe đôi câu vọng cổ..., bao nhiêu cảm xúc rạo rực ùa về qua những làn điệu dân ca thay đổi liên tục. Người xem đến rồi đi. Có anh bán hoa dạo ven hồ không kìm được cảm xúc mang ngay hoa vào tặng ca sĩ rồi xin được song ca vài câu. Có những du khách nước ngoài hiếu kỳ, những đứa trẻ tò mò, nhưng cũng có không ít người say sưa cả tối, lẩm nhẩm hát theo những giai điệu quen thuộc. “Nhớ tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật nhé, tuyền là nghệ sĩ giỏi”, cô Lan, người vừa nhường tôi một góc ghế khi nãy quyến luyến nói lúc chia tay.

Cái sân khấu nhỏ của nhóm Xẩm Hà thành là một trong rất nhiều không gian nghệ thuật được tổ chức tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, nơi nghệ thuật mở ra tối đa với đời sống và ở đó mối liên kết giữa nghệ sĩ và khán giả chỉ là sự đồng điệu. Còn nhớ cách đây chừng chục năm, một nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội lần đầu ra nước ngoài biểu diễn khi trở về đã xúc động chia sẻ cảm giác được ngồi giữa công viên ở thủ đô nước áo, nghe dàn nhạc chơi nhạc Mozart mà tưởng như mình được lạc vào vùng đất âm nhạc, vô cùng thú vị và ao ước ở Hà Nội có những buổi hòa nhạc ngoài trời như thế. Và bây giờ, điều đó đã trở thành hiện thực.

Bắt đầu từ chuỗi hòa nhạc ngoài trời Luala Concert được tổ chức ngay trên vỉa hè phố Lý Thái Tổ năm 2011, người dân Hà Nội đã được làm quen với nhạc cổ điển trên phố - chứ không phải âm nhạc thính phòng, chơi trong nhà hát như thường thấy. Rồi khi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận được mở ra, rất nhiều không gian nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc có thêm điều kiện hình thành và phát triển.

Ngoài những buổi biểu diễn quy mô nhỏ, thân mật, có tính định kỳ, công chúng cũng có dịp được tiếp cận với âm nhạc hàn lâm đỉnh cao của thế giới. Chẳng hạn như buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng London (LSO) lừng danh trong chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert được tổ chức liên tục trong 3 năm từ 2017 đến 2019 ở khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ...

Giờ đây, chỉ trong một vòng hồ không quá rộng, công chúng có thể “chạm” vào âm nhạc khi đi dạo, thưởng thức những điệu nhảy đầy ngẫu hứng, sôi động của một nhóm bạn trẻ hay tìm đến những sân khấu âm nhạc truyền thống biểu diễn định kỳ hằng tuần ở sân khấu khu vực nhà Bát Giác hay Tượng đài vua Lê, những buổi biểu diễn nghệ thuật đương đại tại Trung tâm văn hóa Hồ Gươm...

Nghệ thuật cho không gian sống tốt đẹp hơn

Nụ cười xuân. Ảnh: Bùi Anh Tuấn

Mấy mùa trở lại đây, sự kiện Tuần lễ thời trang Việt Nam đã từ bỏ những sảnh khách sạn sang trọng, những sân khấu trường quay cầu kỳ để đến gần hơn với công chúng ở các sân khấu ngoài trời. Đầu tiên là những mùa diễn ở Công viên Bách Thảo, dưới những con đường rợp bóng cây xanh, rồi ra tới Vườn hoa Diên Hồng - còn gọi là Vườn hoa Con Cóc, một không gian lịch sử và lãng mạn...

Đạo diễn quen thuộc của chương trình Quang Tú cho rằng quay trở về với thiên nhiên là xu hướng thời trang thế giới. Còn nhà thiết kế Minh Hạnh thì cho rằng khi ra với phố phường, với đời sống, mẫu thiết kế sẽ trở nên sinh động hơn, có hồn hơn và đúng nghĩa thời trang hơn... Nhưng dù là với lý do thế nào thì người Hà Nội hôm nay cũng đã được thưởng thức thêm một màu sắc mới trên phố. Và thêm một màu sắc tươi sáng cũng là bớt đi những gam trầm.

Có lẽ với ý nghĩa ấy mà khi đến phố bích họa Phùng Hưng, người ta bắt gặp đầu tiên là câu khẩu hiệu: “Nghệ thuật cho không gian sống tốt đẹp hơn”. Quả thật, nhiều tác phẩm bích họa có chất lượng cao thời gian gần đây đã làm thay đổi một phần gương mặt phố, thay những bãi đậu xe, những hàng quán lộn xộn... bằng một không gian văn hóa để người dân có thể đi dạo, thong thả thưởng thức.

“Gương mặt phố” Hà Nội giờ đây rõ ràng đã khác xưa nhiều. Hòa nhạc, thời trang ra phố, hay những màn xiếc tung hứng, nhào lộn, những lễ hội hóa trang hoành tráng, bích họa nhiều màu sắc..., những điều tưởng chỉ thấy ở phố bên “Tây” nay cũng dễ dàng được bắt gặp ở phố Hà Nội. Ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam đã chia sẻ cảm nhận rằng ông có cảm giác phố phường Hà Nội rất thân thuộc bởi giống châu Âu trong việc đưa nghệ thuật vào không gian công cộng. Những tác phẩm nghệ thuật xuất hiện ở phố, ở công viên, vườn hoa tạo ra sự yên bình cho cộng đồng.

Còn trong đánh giá của bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghệ thuật trong không gian công cộng ở Hà Nội đang có sự phát triển mạnh, đa dạng về loại hình, quy mô, về không gian, không thua kém bất cứ thành phố văn hóa nào trên thế giới. Quả thật, nếu như lĩnh vực mỹ thuật với những tượng đài, những tác phẩm điêu khắc nơi vườn hoa, công viên đã trở nên thân thuộc từ lâu thì những tác phẩm bích họa, con đường gốm sứ, sắp đặt... lại mang đến một màu sắc đô thị tươi mới. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bên cạnh nghệ thuật truyền thống còn có nhiều lễ hội âm nhạc hiện đại, các festival với nhiều loại hình nghệ thuật đường phố náo nhiệt... Nhưng dĩ nhiên, các loại hình nghệ thuật ấy đã “nhập gia tùy tục” mang một màu sắc hài hòa với văn hóa Hà Nội.

Người Hà Nội cũng tiếp cận nghệ thuật ở phố cởi mở như một nhu cầu thiết yếu của đời sống tinh thần. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: “Không phải đến bây giờ, khi các luồng văn hóa được du nhập, đời sống vật chất đủ đầy hơn thì người ta mới quan tâm đến nghệ thuật trong không gian công cộng, mà trong truyền thống văn hóa Việt Nam, nghệ thuật công cộng đã luôn chiếm một vị trí hết sức quan trọng”. vQuả thật, những chiếu chèo mở giữa sân đình, những sân khấu rối ở ngay ao làng, những buổi hẹn hò của liền anh, liền chị quan họ trên đồi Lim, câu hò trên dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế, hay hò bài chòi giữa không gian mênh mông... cho thấy nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vốn không phải là nghệ thuật thính phòng. Nhu cầu được giao lưu, thưởng thức nghệ thuật ở không gian công cộng đã là một phần của tâm hồn dân tộc xưa nay.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan trong một lần chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần đã đánh giá: “Một trong những thước đo của thành phố sống tốt và sáng tạo là chất lượng của không gian công cộng. Và tôi nghĩ nghệ thuật có thể là một con đường để “cứu rỗi” các không gian công cộng”. Nhận định này là hợp lý khi chúng ta nhìn vào không gian phố hôm nay. Bằng cách đặt vào không gian công cộng trên phố những tác phẩm, hoạt động, loại hình nghệ thuật đa dạng, phong phú, người Hà Nội đã và đang xây đắp cho mình một không gian sống tốt đẹp hơn, một sức sống mới đang đâm chồi từ nghệ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc màu phố hôm nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.