Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rút tiền tại các máy ATM: Chưa đến thời điểm ''nóng''

Hà Linh| 04/02/2021 18:26

(HNMO) - Mặc dù chỉ còn khoảng một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, đến ngày 4-2, tại hầu hết máy rút tiền tự động (ATM), kể cả ở các khu công nghiệp, rất ít người rút tiền; nhiều cây ATM thậm chí cả buổi không có bóng người...

Máy ATM trên đường Lạc Long Quân. Ảnh Quang Thái

Chưa có tình trạng xếp hàng chờ rút tiền

Nếu như thời điểm này những năm trước, cảnh người dân xếp hàng dài trước máy ATM không hiếm gặp, bởi nhu cầu sử dụng tiền mặt tăng cao trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Thế nhưng, năm nay, tại các máy ATM ở khu vực trung tâm như các phố Bà Triệu, Quang Trung, Trần Nhân Tông..., số người rút tiền khá thưa thớt. Dọc các phố xa hơn như Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân..., máy ATM cũng trong tình trạng trống vắng, chỉ một vài cây ATM có người rút tiền.

Khi được hỏi về lý do hạn chế rút tiền mặt, nhiều người tỏ vẻ lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên hạn chế đến những nơi có thể tập trung đông người và sử dụng thao tác trực tiếp bằng tay như tại khu vực máy ATM.

Chị Nguyễn Thị Hương (phố Lạc Long Quân, Tây Hồ) cho biết, chị tránh rút tiền mặt tại máy ATM để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch Covd-19. Thay vào đó, chị đến phòng giao dịch ngân hàng, bởi cho rằng, công tác phòng, chống dịch ở các điểm giao dịch của ngân hàng được thực hiện nghiêm ngặt hơn.

Thực tế, khi chị Hương đến rút tiền tại phòng giao dịch của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), toàn bộ nhân viên đều được trang bị mũ chắn kính, khẩu trang, khách hàng được đo thân nhiệt và dùng dung dịch rửa tay, mang lại cảm giác an tâm.

Ngay cả những nơi thường xuyên được coi là "điểm nóng" ATM dịp cận Tết như tại các khu công nghiệp cũng hầu như không có người đến giao dịch. Tại khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), hầu hết máy ATM vắng bóng người.

Anh Nguyễn Ngọc Hiếu (Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu - EMTC) cho hay: "Năm ngoái, thời điểm này, tôi phải chờ cả tiếng đồng hồ trước máy ATM để rút tiền, nhưng năm nay thì ngược lại, tại tất cả các điểm rút tiền tự động đều rất vắng người, máy ATM cũng không rơi vào tình trạng hết tiền hay không thể thực hiện giao dịch".

Bên cạnh lý do tránh dịch Covid-19, việc nhiều người không rút tiền mặt là do giao dịch internet banking đã trở nên phổ biến hơn. Trước những lo ngại về dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, nhiều người chọn mua hàng online thay vì mua trực tiếp, nên không cần thiết phải sử dụng tiền mặt, mà sử dụng tài khoản online. Bằng việc tải app của các ngân hàng, người sử dụng dễ dàng mua sắm đồ dùng hay thực phẩm và chỉ việc chờ được ship đồ đến tận nơi.

Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều cho rằng, hiện chưa phải ngày cao điểm, bởi hầu hết người dân còn trong ngày làm việc. Dự báo cuối tuần này, vào các ngày nghỉ, tại các máy ATM sẽ có đông người rút. Để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh, trước mỗi cây ATM đều có bảng thông báo yêu cầu người rút tiền giữ khoảng cách theo quy định.

Máy ATM vắng người ở Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Ngân hàng sẽ liên tục tiếp quỹ

Các ngân hàng khẳng định sẽ tăng cường tiếp quỹ để bảo đảm đủ cung ứng nhu cầu tiền mặt của khách hàng tăng cao trong những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), ngân hàng đã dự trù, cân đối lượng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhằm bảo đảm hệ thống ATM giao dịch được an toàn và thông suốt, ngoài lực lượng bảo vệ trực 24/24 giờ, DongA Bank còn phân công cán bộ, nhân viên tiếp quỹ và kỹ thuật trực tại trụ sở chính và các phòng giao dịch để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.

Cũng giống như DongA Bank, nhiều ngân hàng khác cũng bổ sung nhân viên để phục vụ cho các điểm giao dịch ATM thời điểm cận Tết Nguyên đán, đồng thời chuẩn bị lượng lớn tiền mặt để sẵn sàng cung ứng.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng chuẩn bị cho lượng giao dịch lớn vào giai đoạn này, lượng tiền trong các máy ATM luôn được theo dõi và giám sát liên tục. Việc nạp thêm tiền vào các cây ATM cũng diễn ra thường xuyên để các giao dịch luôn được thông suốt.

Cẩn trọng với các chiêu lừa rút tiền

Bên cạnh việc bảo đảm hoạt động cho các cây ATM, ngân hàng cũng khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng online. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng cảnh báo khách hàng cẩn trọng với các chiêu lừa rút tiền từ tài khoản của người dùng.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, hiện có nhiều thủ đoạn lừa đảo, như làm giả thẻ tín dụng ngân hàng, chuyển phát theo đường bưu điện đến địa chỉ khách hàng và gọi điện, yêu cầu đóng phí bảo hiểm thẻ (thực tế thẻ tín dụng này không thể sử dụng được); giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện thông báo khách hàng được giải ngân một khoản vay, yêu cầu khách hàng ra bưu điện đóng tiền bảo hiểm khoản vay và nhận bưu phẩm gồm thẻ và một quà tặng gắn logo ngân hàng, sau đó ra ngân hàng để rút tiền từ thẻ ATM đó (thực tế thẻ ATM này không thể sử dụng được); giả danh nhân viên ngân hàng mời khách hàng vay, sau đó gửi một mã ID cho khách hàng qua đường bưu điện, yêu cầu nộp một khoản tiền cho nhân viên bưu điện để kích hoạt mã ID, nhưng thực tế "mã ID" này không có giá trị... Bởi vậy, VPBank khuyến cáo, ngân hàng không yêu cầu khách hàng nhận thẻ hay nộp bất kỳ loại thẻ nào tại các bưu cục. VPBank cũng không cung cấp thông tin của khách hàng cho bất kỳ đối tác liên kết nào.

Tương tự, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho biết, gần đây, nhà băng này có tiếp nhận thông tin từ khách hàng thông báo việc một số đối tượng xưng là nhân viên OCB, thông báo khách hàng được duyệt mở thẻ tín dụng với hạn mức cao, miễn lãi phí trong 3 năm, yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng để nhận thẻ sử dụng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cảnh báo, thời gian gần đây đã ghi nhận các vụ việc rủi ro liên quan đến lộ thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng điện tử như: Tên đăng nhập; mật khẩu truy cập dịch vụ internet banking; mã xác nhận giao dịch một lần (OTP)..., dẫn đến việc tài khoản của khách hàng bị kẻ gian lợi dụng, gây thiệt hại cho khách hàng. Khách hàng có thể nhận được đường link gửi từ kẻ gian, chỉ cần kích hoạt vào link và điền một số thông tin là sẽ bị lấy cắp toàn bộ thông tin tài khoản. Do vậy, khách hàng cần thận trọng, không truy cập vào bất cứ đường link nào, cũng không nên đăng nhập vào các website có dấu hiệu nghi vấn, không cung cấp thông tin tài khoản, thẻ trên các đường link này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rút tiền tại các máy ATM: Chưa đến thời điểm ''nóng''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.